Trung Quốc vừa hứng bão lũ vừa chịu bão cát kinh hoàng

Ngày 26/7, Trung Quốc đã hứng chịu cơn bão In-Fa đổ bộ lần thứ 2 vào nước này chỉ sau 1 ngày. Ít nhất 18 sân bay khu vực này đã bị ảnh hưởng và 1,65 triệu dân ở tỉnh Chiết Giang được sơ tán.

Trung Quốc hứng 2 lần bão chỉ trong 2 ngày, cùng đổ bộ vào Chiết Giang.

Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết khu vực miền đông Trung Quốc đã được đặt trong trạng thái báo động cao nhất khi bão In-Fa đổ bộ lần 2 vào buổi sáng, đã gây mưa lớn.

Bão đã đổ bộ vào khu vực gần thành phố Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang lúc 9h50 sáng với gió giật cấp 10. Trước đó, cơn bão có đường đi phức tạp này đã đổ bộ lần một vào tỉnh Chiết Giang trưa 25/7.

Để đảm bảo an toàn, ít nhất 1,65 triệu dân ở Chiết Giang đã được sơ tán từ trước.

Tất cả tàu cao tốc đi qua thành phố Thượng Hải, Hàng Châu, Ninh Ba đều đã dừng dịch vụ. Tính đến 9h30 ngày 26/7, có 9 trạm quan sát lũ lụt chính ở thành phố Gia Hưng của tỉnh Chiết Giang có mực nước vượt cảnh báo.

Clip bão In-Fa đổ bộ vào Trung Quốc:

Đến nay bão In-Fa ảnh hưởng tới hơn 114.000 người ở thành phố Gia Hưng, phá hoại hoa màu, gây tổn thất kinh tế trực tiếp hơn 4,67 triệu nhân dân tệ (khoảng 721.000 USD).

Tại Thượng Hải, bão In-Fa đã khiến hơn 19.560 cây bị bật gốc, gây ngập lụt một khu vực đất trồng trọt rộng lớn trong 2 ngày qua ở quận Kim Sơn của thành phố này. Ngày 26/7, quận Kim Sơn đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cấp cao nhất với lũ lụt.

Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, một người dân trong thành phố này cho biết bà đã mua sẵn số thực phẩm và nhu yếu phẩm đủ dùng 3-4 ngày, trong bối cảnh nhiều cửa hàng và siêu thị đã ngưng hoạt động.

Đường phố ở thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang ngày 26/7.

Tại thành phố Dư Diêu thuộc tỉnh Chiết Giang, lượng mưa trong 3 ngày qua tương đương 37 lần lượng nước trong Tây Hồ (hồ nước ngọt nổi tiếng ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang). Hồ này có diện tích 6,38 km2 và có sức chứa 14 triệu m3 nước.

Trong khi đó, một cơn bão cát tràn vào thành phố Đôn Hoàng ở rìa sa mạc Gobi phía Tây Bắc nước này, tạo nên một bức tường cát cao hơn 100 m.

Theo SCMP, cơn bão cát đã tấn công thành phố nằm trên Con đường Tơ lụa cổ kính vào khoảng 15h ngày 25/7 (theo giờ địa phương). Cảnh tượng như ngày tận thế ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc được một người dân quay lại và chia sẻ lên Twitter.

Trong video, các tòa nhà cao tầng dường như bị "nuốt chửng" trong đám mây cát bụi khổng lồ đang từ từ di chuyển vào thành phố. Cảnh sát buộc phải đóng cửa các con đường chính và yêu cầu các tài xế chờ trong các khu dừng nghỉ khi tầm nhìn giảm xuống dưới nửa mét.

Clip bão cát ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc:

Tuy nhiên, những khách du lịch đến Công viên tự nhiên đụn cát Mingsha và Hồ bán nguyệt Đôn Hoàng để ngắm hoàng hôn đã không kịp đề phòng cơn bão cát. Họ buộc phải túm tụm lại với nhau, đeo kính và khẩu trang để bảo vệ mình khỏi cát.

Ông Qin, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết khi họ khởi hành, bầu trời vẫn trong xanh và tất cả các dấu hiệu đều cho thấy đó sẽ là một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Song sau đó, gió đột ngột nổi lên, tạo ra cơn bão cát khủng khiếp.

Truyền thông địa phương dẫn lời một người dân ở thành phố trên cho biết bão cát đến một cách đột ngột và quét qua thành phố này chỉ trong 5 hoặc 6 phút.

Đôn Hoàng là nơi có một số điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có hang Mạc Cao được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Theo truyền thông Trung Quốc, bão cát xảy ra thường xuyên tại đây vào mùa Xuân hằng năm, song hiếm khi xảy ra vào mùa Hè.

Hồi tháng 6, cư dân của Hòa Điền - một thành phố phía tây Trung Quốc thuộc khu tự trị Tân Cương - từng chụp được cảnh tương tự như ở Đôn Hoàng. Một cơn bão cát đã quét qua Hòa Điền khiến bầu trời có màu da cam và phủ đầy một lớp bụi dày.

Truyền thông Trung Quốc khi đó giải thích rằng trong những năm gầy đây thời tiết ngày càng khắc nghiệt do nạn phá rừng và các hành động hủy hoại môi trường của con người.

Hải Lâm