Cặp đôi bỏ việc văn phòng về quê mở tiệm gốm

Cẩm Chi từng tốt nghiệp với đồ án truyện minh họa gồm các nhân vật nặn tay bằng đất sét và có thời gian đi làm ở một công ty sản xuất đồ chơi nên công việc tạo hình không còn xa lạ với cô. Chi kể: “Trong quá trình đi học, mình biết đến gốm Nhật và say mê sưu tầm loại gốm này. Tiệm “Nhà có Mèo” được mình và Phong mở cách đây khoảng một năm rưỡi. Từ khi mở tiệm, việc tiếp cận được nhiều dòng gốm hay chất liệu men khác nhau giúp chúng mình có những kiến thức cơ bản trong việc làm gốm. Đến Tết năm 2021, mình quyết định bán gốm hand-made thay vì chỉ dùng làm đồ trang trí trong tiệm như trước đó. Hiện tại, tiệm bán cả gốm Nhật second-hand và gốm chúng mình tự làm”.

Cẩm Chi say sưa với các sản phẩm gốm của mình.

Tuy nhiên, đôi bạn trẻ gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu chuyển về Buôn Ma Thuột. “Buôn Ma Thuột không bán nhiều nguyên liệu làm gốm nên mình phải lên kế hoạch kỹ lưỡng để tránh thiếu hụt nguyên liệu khi đang làm. Dẫu vậy, những phát sinh đột ngột khiến công việc bị trì hoãn là không tránh khỏi. Chúng mình còn học cách tiếp cận, chăm sóc khách hàng và quản lý tài chính khi chuyển từ làm văn phòng sang kinh doanh. May mắn thay, cả hai không bị “mất tinh thần” như nhiều người mới khởi nghiệp”, Chi chia sẻ.

Những sản phẩm "không đụng hàng" của hai bạn.

Phong và Chi làm nhiều sản phẩm bằng gốm, từ những vật dụng quen thuộc trong nhà như chén, ly, chậu cây cho đến tượng trang trí. Mỗi sản phẩm đều có điểm chung là phong cách dễ thương; màu sắc và đường nét đơn giản, nhẹ nhàng. Chi thường đưa hình ảnh chú mèo ngộ nghĩnh cùng họa tiết hoa, lá vào các sản phẩm. Cô bạn cho biết, ý tưởng này xuất phát từ niềm yêu thích mèo của mình. Bên cạnh đó, Chi thường tham khảo tranh của nhiều họa sĩ vẽ minh họa hay sản phẩm của các nghệ nhân làm gốm để học hỏi và nâng cao “gu” thẩm mỹ.

Nhiều mẫu gốm được hai bạn sáng tạo ra.

“Ngoài hình dáng và màu sắc đẹp, phần “hồn” cũng góp phần hoàn thiện sản phẩm gốm. Việc người xem cảm nhận được tình cảm của người làm gốm thông qua các tác phẩm giúp phân biệt giữa gốm thủ công và gốm công nghiệp hàng loạt. Mình muốn mỗi sản phẩm gốm bên mình sẽ mang lại niềm vui cho người sở hữu chúng”, cô bạn nhấn mạnh.

Thời gian hoàn thành một món gốm tùy thuộc vào hình dáng và kích thước của chúng. Việc ủ khô được Chi và Phong thực hiện trong 20 - 30 ngày để đảm bảo an toàn khi nung. Sau khi sản phẩm đạt độ khô cần thiết, cả hai tiến hành tô màu, tô men và nung trong 2 ngày.

Sản phẩm gốm tự làm của hai bạn cũng đa dạng về mẫu mã.

Chi tâm sự: “Rủi ro khi làm đồ thủ công là không tránh khỏi. Đất đã khô nhưng chưa nung rất giòn, dễ bể. Nặn không đúng kỹ thuật ở một khâu nào đó có thể dẫn đến nứt, cong, thậm chí nổ trong lò nung. Khi gốm nổ trong lò, mảnh gốm sẽ văng ra và "liên lụy" những món khác”.

Nói về ảnh hưởng của dịch bệnh đến công việc kinh doanh, hai bạn cho biết số đơn đặt hàng tại “Nhà có Mèo” giảm đáng kể. Nhân khoảng thời gian này, hai bạn trẻ tự thiết kế thêm các mẫu đồ gốm vì định hướng trong tương lai của tiệm là bán các sản phẩm tự thiết kế. Ngoài ra, Phong và Chi dự định lập kênh Youtube “Nhà có Mèo” để chia sẻ quá trình làm gốm cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

Như Mai