CEO phần mềm quản lý nhân sự: 'Tôi không ngại đi thị trường ngách'

Không xuất thân từ dân kinh tế hay dân công nghệ nhưng ông Trần Viết Quân (1984), CEO Tanca.io, cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM đã khiến nhiều người nể phục khi nền tảng Tanca.io do anh và cộng sự sáng lập đã đoạt giải thưởng “Nhân Tài Đất Việt 2019”.

Sau gần 5 năm ra mắt thị trường, nền tảng công nghệ này đã và đang được nhiều doanh nghiệp biết đến và sử dụng. Thậm chí tới nay, startup này vẫn chưa từng một lần gọi vốn, sống sót qua dịch COVID-19.

Thành công sau nhiều lần thất bại

.Phóng viên: Chào anh, xuất phát điểm là nhân viên của trường nhân văn,vì đâu anh lại dấn thân vào con đường công nghệ?

+ Ông Trần Viết Quân: Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đại học tôi đã nhận ra là mình thích kinh doanh hơn. Chính vì thế, những ngày còn là sinh viên, tôi đã xin ba mình cho đi học các lớp đồ họa, công nghệ thông tin ngắn hạn.

Ông Trần Viết Quân, CEO Tanca.io. Ảnh: THU HÀ

Trước khi khởi nghiệp cùng Tanca.io, tôi đã trải qua nhiều lần làm thuê đến những lần theo đuổi giấc mơ làm giàu, và chạm tới ước mơ công nghệ với dự án công nghệ nongnghiepangiang.vn, kỳ vọng có thể bán thông tin giá cả theo thời gian thực cho doanh nghiệp và nông dân.

Nhưng thật không may tất cả đều không thành công.

. Sau nhiều lần thất bại, vì sao anh lại chọn lĩnh vực nhân sự?

+ Nhân duyên với lĩnh vực nhân sự cũng xuất phát từ lần khởi nghiệp dự án giá nông sản. Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi được nghe nhiều về câu chuyện nhức đầu của những ông chủ trong vấn đề quản lý nhân sự, chấm công cho nhân viên, nhất là những nhân viên sale thị trường.

Điều này đã manh nha một cuộc khởi nghiệp mới trong tôi. Thời điểm đó, tôi và vài người bạn tìm hiểu và nhận ra trên thị trường chưa thực sự có doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực này, ngoài ông lớn Thế giới di động. Nhưng cách quản lý của họ là chấm công trên máy tính, điều này cũng có thể gây khó với nhân viên dùng mobile. Tôi cũng nghĩ về những khó khăn về quản lý cách nhân viên thời vụ, xoay ca, đổi ca, rồi kết quả chấm công chỉ được trả về khi cuối tháng…

Đó là cách tôi nhìn ra cơ hội và khởi nghiệp với Tanca.io mà bước khởi đầu cũng chính là lĩnh vực chấm công trên mobile.

. Tanca đã phát triển ra sao?

Xuất phát điểm là lĩnh vực chấm công, nhưng chúng tôi không chỉ đơn thuần là giúp người quản lý theo dõi sự chăm chỉ của nhân viên của mình. Chúng tôi còn mang đến trải nghiệm minh bạch đến từng giây khi kết quả chấm công được hiển thị ngay trên điện thoại của nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giải quyết các vấn đề khó của doanh nghiệp như cung ứng giải pháp cho các nhân viên sale như theo dõi lộ trình, định vị tạo độ thị trường, giám sát, quản lý thời gian thực…

Chúng tôi cũng bắt tay với một bên công ty công nghệ khác để sản xuất camera AI chấm công, giải quyết các vấn đề như sai sót, quên chấm công…

Khi mà chúng tôi tự tin rằng đã khai thác sâu, chắc vấn đề chấm công, xếp ca thì chúng tôi dần dần phát triển ra lĩnh vực nhân sự khác như tính lương tự động, quản lý công việc, nghỉ phép nhân viên…

. Theo tôi được biết, tới nay Tanca đã cung ứng trên 13 dịch vụ ngoài chấm công và phục vụ được hơn 10 ngành hàng. Đâu là điều giúp Tanca.io phát triển nhanh như vậy?

+ Sự quyết tâm thôi. Tôi nghĩ vậy.

Vâng, đùa mà thật, thật ra thì Tanca.io nhanh chóng phát triển dịch vụ là nhờ vào việc học chúng tôi học hỏi từ những công nghệ hàng đầu thế giới và tích hợp nhiều công nghệ thay vì xây dựng từ đầu. Theo tôi, startup muốn sống sót cần nhanh chóng kiếm được tiền ngay từ giai đoạn đầu tiên, theo một cách nào đó, mà cách nhanh nhất để lớn lên là học hỏi mô hình đã thành công trên thế giới, thực thi nhanh và tích hợp đa công nghệ.

Chúng tôi đã sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, phù hợp với mục tiêu – nhu cầu phát triển của mình, sau đó tìm cách kết hợp chúng lại với các tính năng mình đã vẽ ra. Hiện tại, phần lớn tính năng của nền tảng là do đội ngũ Tanca phát triển, một số tính năng tiên tiến thì được tích hợp với các hệ thống hàng đầu thế giới… Nhưng theo sự phát triển của mô hình kinh doanh này, chúng tôi sẽ tập trung cho nghiên cứu và phát triển để sở hữu các công nghệ cốt lõi trong tương lai.

. Chắc hẳn doanh thu Tanca.io phải rất ổn đúng không, khi trong giới công nghệ vẫn truyền tai nhau về Viết Quân- một startup chưa cần gọi vốn?

+ (Cười) Hiện tại doanh thu của chúng tôi tăng 200 – 300%/năm. Tính tới thời điểm hiện tại, nguồn thu chúng tôi đang ổn định và chưa cần gọi vốn.

Tại Việt Nam hiện có hơn 2,3 nghìn doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm mà Tanca.ico cung ứng trong việc quản lý nhân sự.

Đối với thị trường nước ngoài, chúng tôi mới tham gia vào năm ngoái và đang cung ứng phần mềm miễn phí với doanh nghiệp có mô hình dưới 20 người và được đón nhận tích cực từ các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc đối với lĩnh vực F&B. Tiếp đến là Mỹ, Indonesia, Philippin…

Chúng tôi cũng xác định sẽ phát triển mạnh và chủ yếu tại Việt Nam với tỉ lệ 80% : 20%, tức đặt mục tiêu chỉ 20 % là phát triển nước ngoài.

Chọn thị trường ngách nhưng thu lời như thị trường chính

Dù đi thị trường ngách nhưng tới nay Tanca thu về lợi nhuận tăng 200%- 300%/năm. Ảnh: THU HÀ

. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm trong làng công nghệ cũng bắt đầu phát triển các dòng camera AI hỗ trợ chấm công, ông có ngại sự cạnh tranh giữa biển lớn công nghệ?

+ Câu trả lời là không. Vì camera AI chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình quản lý nhân sự.

Và thực tế dư địa thị trường là vô cùng lớn. Ai đủ đam mê, máu lửa nghiên cứu ngày đêm và tạo ra lợi nhuận cho một lĩnh vực thì mới có thể chiến thắng.

Và tôi cũng nghĩ rằng, không phải công ty công nghệ nào, kể cả doanh nghiệp lớn muốn tham gia vào lĩnh vực quản lý nhân sự, là cũng có thể thành công. Bởi cái DN lớn họ quan tâm là nguồn tiền dương, do đó họ sẽ cân nhắc tính lợi nhuận trong lĩnh vực. Chưa kể các đội ngũ IT, liệu có có đủ tâm huyết bằng những người startup.

Thực tế phát triển phần mềm nhân sự không hề đơn giản, tốn rất nhiều thời gian.

. Về mảng nhân sự, liệu Tanca.io có tranh hết việc của nhân sự?

Với sự dịch chuyển của xu hướng làm việc, lĩnh vực nhân sự chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Dù vậy, không ít người hỏi chúng tôi, có phải tự động hóa là lấy đi công việc của người khác như bộ phận nhân sự trong công ty.

Theo quan điểm của tôi, tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời cuộc. Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều đang phải đối mặt với việc chuyển đổi số và Tanca chỉ là đang đảm nhiệm công việc chuyển đổi số ở lĩnh vực quản lý nhân sự.

Chúng tôi hỗ trợ khách hàng giảm các rủi ro sai sót trong quản lý, thời gian, chi phí, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối ưu hóa hoạt động quản trị.

Đồng thời qua các số liệu từ Tanca.io cung cấp, các nhà quản lý và bản thân người lao động có thể hiểu hơn về hiệu suất, tâm lý nhân viên cũng như văn hóa doanh nghiệp giúp các các nhà quản lý có thể.

Ngoài ra, đội ngũ phát triển của Tanca.io còn chú trọng về cập nhật số liệu tức thời, cũng sẽ giúp các CEO nhanh chóng điều phối công việc linh động và kịp thời hơn nhằm bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch.

Như vậy, chúng tôi chỉ là đang đồng hành trong quá trình tự động hóa và chuyển đổi số mà thôi.

. Vậy chắc hẳn ông tự tin về tiềm năng của doanh nghiệp mình?

+ Như tôi đã nói tiềm năng của thị trường rất rộng, và dù rằng doanh nghiệp tôi tuy nhỏ nhưng chọn đúng thị trường - dù bị gọi là thị trường ngách. Nhưng tới nay, ngoài các DN vừa và nhỏ, startup chúng tôi đã hợp tác được với những cái tên khá nổi tiếng như Shopee, Vinamilk hay Tập đoàn Lộc Trời.

Bạn thấy đấy, bản thân họ là doanh nghiệp lớn, thậm chí là có doanh nghiệp công nghệ nhưng chúng tôi vẫn chen chân vào được. Điều này có nghĩa là bạn không cần phải tham lam làm hết mọi thứ, chỉ cần tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình và tạo ra lợi nhuận bền vững.

Sau nhiều lần thất bại tôi nhận ra bài học muốn khởi nghiệp thành công, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Tôi không ngại đi thị trường ngách, tôi lựa chọn một miếng bánh nhỏ, ăn chậm no lâu.

Tôi nghĩ rằng tính tới thời điểm hiện tại, tôi có thể nói rằng Tanca.io là doanh nghiệp đang làm tốt nhất trong vấn đề chấm công, xếp ca hiện nay

. Xin cám ơn anh.

THU HÀ

THU HÀ