Chắp cánh để sản phẩm sáng tạo ra thế giới

Hà Nội - cái nôi của sản phẩm sáng tạo

Theo kết quả vừa công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Thành phố à Nội dẫn đầu Bảng xếp hạng với nhiều ưu thế vượt trội. Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần.

Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người.

Du khách đội nón lá Vĩnh Thịnh tại SEA Games 31.

Với Hà Nội, kết quả PII 2023 là không quá bất ngờ. Năm 2022, Hà Nội cũng dẫn đầu khi có số điểm về chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất (61,07 điểm) trong số 20 địa phương thử nghiệm PII 2022.

Trước đó, Thành phố đã xác định, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm ởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn Thủ đô tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Hà Nội cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.

Sức sống của đổi mới sáng tạo

Theo thời gian, oản được sáng tạo thành nhiều hình dáng, nhưng để dùng oản “xây” thành những “tòa tháp” tinh xảo và đồ sộ thì chắc hẳn phải có sức sáng tạo vô cùng công phu. Những thợ thủ công của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (Trung tâm Ngọc Ân) đã làm nên kỳ tích này và không ngừng khiến nhiều người trầm trồ, kinh ngạc. Đáng khâm phục hơn nữa, oản nghệ thuật với nhiều mô hình tinh xảo mang đậm nét Phật giáo lại được hình thành từ bàn tay của những người khuyết tật, tự kỷ.

Giới thiệu mô hình “Oản Phật giáo Ấn độ” với những du khách Việt Nam, Ấn Độ, Lào, Campuchia,… đến thăm gian hàng của Ngọc Ân, bà Đào Thanh Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Ngọc Ân cho biết, mô hình được thực hiện bởi những bàn tay khéo léo của người khuyết tật, tự kỷ thể hiện sự đổi mới sáng tạo và tích cực của cộng đồng người khuyết tật trong việc thúc đẩy văn hóa và tôn giáo với nguyên liệu chính từ oản đường - một trong những vật phẩm không thể thiếu từ ngàn đời xưa để dâng lễ vào ngày rằm hay các dịp lễ Tết dâng lễ cúng truyền thống của người Việt.

Thời gian qua, báo chí Thủ đô đã góp phần tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách áp luật của Nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sáng tạo Hà Nội và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; tạo dư luận xã hội về sản phẩm, định vị trong lòng công chúng thương hiệu nông sản, làng nghề, sản phẩm văn hóa của Thủ đô.Công chúng sau khi tiếp nhận thông tin từ các tác phẩm báo chí viết về sản phẩm sáng tạo, những hình ảnh thương hiệu qua báo chí truyền hình đã giúp sản phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng và người tiêu dùng.

Sản phẩm oản nghệ thuật mang tên “Đồng tâm” của Ngọc Ân do người khuyết tật, tự kỷ thực hiện đã được chọn là món quà mang bản sắc dân tộc trao tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong khuôn khổ Diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” 2023 diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ. Bà Đào Thanh Hoàn cho biết, nhờ sự lan tỏa của báo chí mà nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến sản phẩm của Ngọc Ân. Báo chí đã góp phần đưa sản phẩm bay cao và đi xa hơn.

Tại Hà Nội, nón lá Vĩnh Thịnh được cho là sản phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất tới cộng đồng trong và ngoài nước. Nhất là tại kỳ SEA Game 31, khi huyện Thanh Trì, cái nôi của thương hiệu Nón lá Vĩnh Thịnh được đăng cai tổ chức môn thi đấu bóng rổ tại huyện nhà.

Với sự kết hợp giữa kỹ thuật làm nón lá truyền thống và sự đổi mới trong sáng tạo sản phẩm, Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ nghề làm nón lá, mở ra cơ hội tiêu thụ tại nhiều thị trường mới và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.Song hành với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, người làm nón cũng chủ động tìm hiểu thị trường, sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng mà còn mang vẻ đẹp nghệ thuật, là vật trang trí và phục vụ phát triển du lịch.

Đến năm 2020, sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là yếu tố khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Nhất là khi nón lá đang dần vắng bóng trong đời sống thường ngày, sản phẩm đạt OCOP chính là chìa khóa nâng tầm giá trị để trở thành sản phẩm du lịch.

Tại kỳ SEA Games 31, đến với môn thi đấu bóng rổ, hàng trăm du khách, các cầu thủ thi đấu và du khách nước ngoài như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore… đã đội trên đầu chiếc nón lá. Một số du khách nước ngoài mua hàng chục chiếc để làm quà khi về nước.

Đóng góp vào thành công của Nón lá Vĩnh Thịnh không thể thiếu sự đồng hành của báo chí. Dưới ngòi bút của báo chí, Nón lá Vĩnh Thịnh dần khẳng định là một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Hàng chục bài báo viết về làng nghề Vĩnh Thịnh với những bức ảnh chụp du khách hạnh phúc khi đội trên đầu chiếc nón lá đã lan tỏa ra ngoài biên giới, đưa nón lá Vĩnh Thịnh vươn xa hơn.

"Hoa bất tử" Mê Linh được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của người nông dân ở thủ phủ của các loài hoa, thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng, hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát huy giá trị cho sản phẩm làng nghề trồng hoa Mê Linh.

Anh Đinh Văn Tuấn, chủ sản phẩm sáng tạo này cho biết: “Khi quyết định làm “hoa bất tử”, mong muốn của tôi khi đó là góp sức lực nhỏ bé của mình để tiêu thụ sản phẩm hoa cho bà con nông dân địa phương. Ban đầu còn nhiều khó khăn do lượng đơn hàng còn ít, chưa có nhiều khách hàng biết tới. Song tôi vẫn quyết định gắn bó và hi vọng rằng, sản phẩm “hoa bất tử” của tôi sẽ được khách hàng cả nước biết tới, từ đó khẳng định chất lượng và đưa thương hiệu hoa Mê Linh đi xa hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Tại Chương trình này, sản phẩm “hoa bất tử” của anh Tuấn đã được hàng chục nhà báo để mắt tới và tham gia tìm hiểu, phỏng vấn, đưa sản phẩm sáng tạo đến với bạn đọc trên khắp cả nước, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp.

“Cơn gió thuận” nâng cánh diều bay xa

Thời gian qua, báo chí Thủ đô đã góp phần tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sáng tạo Hà Nội và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; tạo dư luận xã hội về sản phẩm, định vị trong lòng công chúng thương hiệu nông sản, làng nghề, sản phẩm văn hóa của Thủ đô.Công chúng sau khi tiếp nhận thông tin từ các tác phẩm báo chí viết về sản phẩm sáng tạo, những hình ảnh thương hiệu qua báo chí truyền hình đã giúp sản phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng và người tiêu dùng.

Những năm qua, huyện Đan Phượng không ngừng tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, huyện đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó không thể thiếu sự hỗ trợ của báo chí Thủ đô. Những sản phẩm nông sản tiêu biểu của Đan Phượng như Nho Hạ Đen, Bưởi Tôm Vàng, Nem Phùng, các loại rau hữu cơ, nấm, mật ong,… được nhiều người biết đến hơn nhờ sự đồng hành của báo chí. Từ đó làm tăng doanh thu cho nông nghiệp và cải thiện đời sống, việc làm cho nông dân.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: “Để quảng bá thương hiệu nông sản cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã kết hợp chặt chẽ với báo chí Thủ đô như Báo Lao động Thủ đô, Hà Nội Mới, “Chuyện nhà nông” trên VTV1, “Bản tin thời sự nông thôn” trên VTC16… Tuy nhiên, để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững, điểm mấu chốt chính là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới bán hàng và đưa thương hiệu nông sản đến với quảng đại người tiêu dùng”.

Cùng với Đan Phượng, là một huyện có cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp, Thanh Trì từ lâu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh,… Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề truyền thống: Bánh chưng Tranh Khúc xã Duyên Hà, miến dong xã Hữu Hòa, dệt xã Tân Triều,... với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển sản phẩm OCOP.

Để lan tỏa các sản phẩm đặc thù của địa phương đến với người tiêu dùng, huyện Thanh Trì đã tăng cường các hoạt động hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ các hội chợ này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, giúp cho nông sản địa phương tiếp cận rộng rãi trên thị trường. Để sản phẩm nông sản được kết nối tới cộng đồng, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí.

Báo chí đồng hành nâng tầm sản phẩm

Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho biết, khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì câu chuyện làm thương hiệu cho từng sản phẩm là rất quan trọng. Báo chí, truyền thông đã giúp ngành nông nghiệp, đặc biệt là hộ sản xuất kinh doanh nông sản nêu lên được tiềm năng, lợi thế, cũng như phản ánh thực tế, thực trạng trong sản xuất, những thuận lợi, khó khăn; từ đó các bộ, ngành có cái nhìn tổng quan, làm quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp thực tế, thực thi, đi vào cuộc sống.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp không thể không nhắc đến các phóng viên, người trực tiếp đến “hiện trường” để tìm hiểu, tuyên truyền về nông sản. Nhà báo Đỗ Đạt, Báo Lao động Thủ đô khẳng định: Muốn tuyên truyền hiệu quả, nhà báo cần phải yêu lĩnh vực mà mình viết. Cần bám sát vấn đề, bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn để hiểu thấm nhuần được bản chất của lĩnh vực mà mình phụ trách, để có những bài viết tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả đến công chúng. Qua các bài báo, giúp cho nông dân có cái nhìn đầy đủ hơn về nông nghiệp, từ đó giúp họ xác định được hướng sản xuất, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất hàng hóa, số hóa nông nghiệp, đón đầu xu thế nông nghiệp số hiện nay.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Các sự kiện có sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông, báo chí Thủ đô và trung ương. Hàng trăm bài báo đưa tin về các sự kiện, giúp cho các thương hiệu nông sản Thủ đô vươn xa hơn trong nước và quốc tế. Những thông tin không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng mà còn tiến tới làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản.

Trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, báo chí đã luôn đồng hành và đóng góp vai trò quan trọng vào thành tựu chung của kinh tế Thủ đô. Thông tin báo chí không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ của cộng đồng mà còn có thể biến dư luận thành sức mạnh góp phần làm thay đổi cả nền sản xuất. Nhận thức được vai trò của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, mỗi phóng viên, các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác định hướng tư tưởng, kịp thời cung cấp thông tin chính xác trước những vấn đề, sự kiện phức tạp. Người làm báo cần thích nghi với môi trường chuyển đổi số, bên cạnh việc tích cực rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới phương pháp thể hiện tác phẩm thì còn cần chủ động tiếp thu, nhận diện các xu hướng nông nghiệp tiên tiến nhất, hỗ trợ người nông dân hòa mình vào xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.

Bảo Thoa