Chính sách giữ lãi suất cao của Fed có thể cản đường kinh tế Mỹ

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố chính sách lãi suất ở Washington, D.C., ngày 20/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vài tháng qua, các quan chức ục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) luôn khẳng định cần thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát giảm dần về mức mục tiêu 2% để hạ lãi suất. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 tiếp tục tăng, khiến Chủ tịch Jerome Powell đầu tuần này khẳng định Fed sẽ không sớm hành động.

Trong phát biểu ngày 16/4, ông Powell nói sẽ cần nhiều thời gian hơn dự kiến trước khi ạm phát quay về mục tiêu 2%. Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed, còn lợi suất trái phiếu chính phủ cũng lập đỉnh mới.

Các thị trường, doanh nghiệp và Nhà Trắng đều quan tâm đến thời điểm và số lần hạ lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng hạ lãi sớm hiện đang giảm đi. Giới chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ khó có thể chống chịu tốt như hiện tại nếu lãi suất vẫn được duy trì ở mức cao.

Khi quan chức Fed dự kiến có thể điều chỉnh lãi suất ba lần trong năm nay, các thị trường đã lập các đỉnh mới. Đầu năm nay, các nhà đầu tư dự báo lần điều chỉnh đầu tiên có thể đến ngay trong tháng Ba.

Mức lãi suất thấp sẽ giúp chi phí vay của doanh nghiệp giảm, từ đó gia tăng lợi nhuận. Điều này có nghĩa nhà đầu tư có nhiều tiền hơn để rót vào thị trường.

Khi lạm phát tại Mỹ tăng trở lại vài tháng qua, giới phân tích cũng lùi dự báo về thời điểm hạ lãi suất sang tháng Sáu. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan khi các quan chức Fed giữ nguyên kế hoạch giảm lãi suất 3 lần tại cuộc họp tháng 3/2024. Nhờ đó, chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh mới.

Tuy nhiên, sau khi số liệu lạm phát tháng Ba được công bố mạnh hơn dự báo, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall quay đầu giảm. Trong tuần qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Composite mất 2%.

Giáo sư Tài chính Itay Goldstein tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nhận định, dù bị bị bán tháo, giá cổ phiếu vẫn phản ánh kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Ông cảnh báo thị trường có nguy cơ đi xuống nếu Fed không hạ lãi suất.

Việc thị trường đi xuống sẽ tác động lan truyền đến toàn bộ nền kinh tế. Giá cổ phiếu giảm khiến các doanh nghiệp cắt giảm chi phí hoặc trì hoãn đầu tư. Tesla gần đây thông báo giảm 10% lực lượng lao động, do giá cổ phiếu hãng sản xuất xe điện của Mỹ lao dốc trong năm nay.

Ông Goldstein cho rằng thị trường đi xuống cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các gia đình, khiến họ giảm chi tiêu.

Sau 11 lần tăng liên tiếp lên các mức cao kỷ lục hai thập kỷ, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất từ giữa năm ngoái và có quan điểm duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Ông Goldstein cảnh báo các gia đình và doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nếu Fed duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay.

Đến nay, kịch bản suy thoái của kinh tế Mỹ vẫn chưa xảy ra, đặc biệt là sau báo cáo doanh số bán lẻ tháng 3 tăng vượt dự báo hai tháng liên tiếp. Điều này cho thấy người tiêu dùng chi tiêu dù lạm phát và lãi suất cao nhất trong hai thập kỷ.

Dù vậy, lãi cao khiến người dân có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu. Điều này sẽ làm giảm tốc nền kinh tế. Rủi ro suy thoái sẽ gia tăng nếu Fed không điều chỉnh lãi suất trong năm nay.

Ông Brian Rose, nhà kinh tế trưởng tại Global Wealth Management, nhận định, về dài hạn, chi phí đi vay tăng nhanh sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng, đầu tư và thị trường nhà ở.

Tuy nhiên, nhà kinh tế David Mericle tại Goldman Sachs cho rằng kinh tế Mỹ hiện đủ mạnh, không cần đến việc giảm lãi suất để tránh suy thoái.

Lê Minh (Theo CNN)