Còn lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử

Bán hàng trên nhóm messenger khó quản lý chất lượng hàng hóa.

Hiện nay, với mạng xã hội Facebook hoặc , mọi người có thể dễ dàng tạo tài khoản mà không cần xác minh về chủ sở hữu; nếu không dùng nữa có thể thay đổi, xóa hoặc lập tài khoản mới. Việc này vô hình chung gây khó cho cơ quan chức năng trong việc quản lý những người buôn bán trên mạng xã hội.

Lực lượng quản lý thị trường quản lý bán hàng trên các trang web, cửa hàng được đăng ký.

Ông Trịnh Ngọc Cường, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Lào Cai) cho biết: Trong quá trình theo dõi các tài khoản Facebook hoặc TikTok bán hàng trực tuyến, đối tượng kinh doanh rất rộng. Nhiều tài khoản bán hàng không rõ nguồn gốc, khi bị phát hiện ngay lập tức xóa tài khoản và sau đó lại có những tài khoản khác được lập lên. Điều đặc biệt là hàng hóa được bán trên những trang mạng xã hội rất khó quản lý về nguồn gốc, chất lượng, mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với cơ quan công an, cơ quan chống tội phạm công nghệ cao nhưng vẫn rất hạn chế trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi gian lận.

Thị trường thương mại điện tử đang rất phát triển, thuận tiện cho người tiêu dùng vì có thể ngồi bất cứ đâu cũng có thể sử dụng thiết bị điện tử thông minh như máy tính, điện thoại để mua hàng trên các trang web của siêu thị, các sàn thương mại và hàng hóa cũng nhanh chóng được vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quản lý bán hàng trên mạng xã hội đang có nhiều lỗ hổng để các đối tượng buôn bán các loại àng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng. Nhiều trang web bán hàng trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc ngang nhiên bán hàng trốn thuế, gây ảnh hưởng, thiệt hại trực tiếp cho các trang bán hàng, các sàn đã được cấp phép quản lý kinh doanh.

Hệ thống tiếp nhận và bán hàng của siêu thị Mai Long trên sàn thương mại điện tử.

Anh Trương Hải Long, quản lý siêu thị Mai Long tại phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết: Thời gian qua, siêu thị đã bắt nhịp thời cuộc và đăng ký với cơ quan chức năng để thành lập trang web bán hàng trên mạng với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng hóa, hàng tiêu dùng các loại. Tuy nhiên, theo đánh giá thì hoạt động của trang bán hàng này không thể cạnh tranh được với các tài khoản bán hàng trên mạng xã hội.

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook hay TikTok, người dùng không những có thể đăng bài bán hàng thông thường mà còn có thể bán hàng bằng hình thức phát trực tiếp hoặc tạo nhóm bán hàng trong Messenger. Người tiêu dùng đôi khi chỉ cần nhập thứ cần tìm vào mục tìm kiếm là hàng loạt kết quả hiện ra với nhiều mẫu mã và mức giá để lựa chọn, do đó các trang bán hàng chính thống đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Quản lý việc bán phòng của các khách sạn, nhà nghỉ trên thương mại điện tử.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã phối hợp xử lý 874 vụ vi phạm các loại về kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng vi phạm về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá bán hàng hóa... Tổng giá trị xử lý là hơn 11,93 tỷ đồng (trong đó xử phạt vi phạm hành chính 5,34 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là 6.59 tỷ đồng). Việc xử lý thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, toàn tỉnh có 21 vụ, với các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt vi phạm hành chính 469,8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lào Cai cho biết: Việc kiểm soát thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện nhưng còn nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là kiểm soát thủ đoạn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, bởi khi xác minh đối tượng bán hàng thì lại liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí ở nước ngoài...

Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm rà soát trang mạng xã hội bán hàng, các địa điểm thường xuyên tập kết hàng và bán trên nhóm, bán hàng phát trực tiếp ở các kho để quản lý chặt chẽ nguồn hàng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Cùng với việc vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đấu tranh, tố giác tội phạm thương mại điện tử, đề cao cảnh giác trước những chiêu trò bán hàng (như khuyến mại sâu, bán hàng giá rẻ, dụ dỗ ngon ngọt trên các trang mạng xã hội...), tránh mua phải các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.