Đà Nẵng trên đường phát triển công nghiệp văn hóa

Nghệ thuật truyền thống là sản phẩm văn hóa thế mạnh, được thành phố tập trung phát triển trong thời gian tới. Ảnh: X.Dũng

Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa

Để triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Đà Nẵng quan tâm rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa. Từ chính sách xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, số lượng các doanh nghiệp và không gian sáng tạo xuất hiện tại thành phố ngày càng nhiều, thu hút nhân lực các chuyên ngành công nghiệp văn hóa đến sinh sống, làm việc.

Minh chứng cho điều này, có thể kể đến chương trình Mây Lang Thang nổi tiếng ở Đà Lạt, được ngành văn hóa hỗ trợ, tư vấn và giải quyết giấy phép tổ chức tại Đà Nẵng. Sau hơn 1 năm Mây Lang Thang có mặt ở thành phố sông Hàn, chương trình đã bước đầu gây được tiếng vang, các show thu hút đông đảo khán giả đến xem. Anh Võ Hoàng Việt, Giám đốc Công ty TNHH Mây Lang Thang chia sẻ: “Nếu khán giả xem Mây Lang Thang ở Đà Lạt chủ yếu khách du lịch, thì tại Đà Nẵng, khán giả chủ yếu là người địa phương. Do đó, lịch biểu diễn tại Đà Nẵng không thể dày đặc và các ca sĩ cũng được đổi mới liên tục”.

Muốn phát triển công nghiệp văn hóa bền vững và hiệu quả, cần có các không gian sáng tạo. Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới, hay Việt Nam đều mong muốn gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO để phát triển nhiều không gian sáng tạo. Ngày hội văn hóa sáng tạo Đà Nẵng vừa được thành phố tổ chức mới đây là một nỗ lực của Đà Nẵng trong việc xúc tiến gia nhập mạng lưới này trong tương lai gần. Một điểm nhấn rất đáng ghi nhận trong ngày hội lần này là không gian trưng bày, hoạt động của nhóm bạn trẻ “Đà Nẵng tui”. Theo đó, nhóm mang đến công chúng 21 tác phẩm với chủ đề “Núi”, thể hiện bằng hình thức nghệ thuật màu nước, hoạt họa, nghệ thuật vẽ tranh bằng điểm ảnh, ảnh toàn ký, công nghệ thực tế ảo tăng cường...

Trưởng nhóm “Đà Nẵng tui” Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu cho biết, để làm mới hình thức triển lãm truyền thống, nhóm ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để người xem ngoài thưởng lãm trực tiếp, còn có thể quét mã QR để cảm nhận đa giác quan hơn. “Với không gian trưng bày, “Đà Nẵng tui” mong muốn tôn vinh nét đẹp văn hóa Đà Nẵng đến giới trẻ, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Đồng thời, thể hiện sự giao lưu giữa cộng đồng thực hành sáng tạo địa phương với cộng đồng nghệ sĩ nước ngoài tại Đà Nẵng”, chị Thiên Hiếu bày tỏ.

Phát triển các lĩnh vực giàu tiềm năng

Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Đây là một trong những lĩnh vực được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, những năm qua, ngành văn hóa bước đầu quan tâm định hướng phát huy hệ thống di tích, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Bên cạnh các bảo tàng chuyên biệt, di tích danh thắng, thành phố hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, nhất là các tuyến sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20; sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai; tuyến du lịch sông Cu Đê.

Ngoài ra, nhắc đến công nghiệp văn hóa, không thể không kể đến các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thời gian qua, thành phố đã tập trung phát triển lĩnh vực này và đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là đạt danh hiệu điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á. Trong đó, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tổ chức các năm qua ngày càng quy mô, chất lượng, trở thành một thương hiệu độc đáo; liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng là khởi điểm cho một sự kiện tiếp theo của thành phố.

Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, ngành văn hóa đang tập trung nghiên cứu trình UBND thành phố ban hành đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố đến năm 2030”. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng, chú trọng ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, từ nay đến năm 2030, thành phố tập trung xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa thế mạnh, đó là du lịch văn hóa, sự kiện và lễ hội, quảng cáo, thiết kế, nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, thuế tài chính, bồi dưỡng nhân tài, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đổi mới mạnh mẽ hoạt động sự nghiệp các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn thu nhập đơn vị vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong một số ngành công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tham gia vào thị trường quốc tế.

XUÂN DŨNG