Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy ởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các cấp ủy, chính quyền huyện Tháp Mười chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ; quan tâm hỗ trợ chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhất là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (bên trái) tìm hiểu sản phẩm của Cơ sở sản xuất Sữa sen Diễm Thúy 2 (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười)

Các cấp ủy, chính quyền, địa phương huyện Tháp Mười thường xuyên thông tin tuyên truyền về những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, mô hình khởi nghiệp mới, sáng tạo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo các ngành liên quan tuyên truyền về khởi nghiệp cho người lao động trước và sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để khuyến khích tinh thần tự chủ, sáng tạo, khởi nghiệp. Tạo điều kiện cho hàng chục cơ sở, doanh nghiệp trong huyện tham gia tập huấn về giới thiệu Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp và các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp năm 2022 tổ chức tại TP Cao Lãnh. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười kết nối với các Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp doanh nhân và doanh nghiệp ở địa phương: CLB thanh niên khởi nghiệp, CLB phụ nữ khởi nghiệp, vượt khó... với nhiều hoạt động liên quan đến thúc đẩy khởi nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp (tập huấn về Quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập huấn về nghiệp vụ quản lý cho Ban Quản trị, Ban Giám đốc, kiểm soát và nghiệp vụ kế toán Hợp tác xã).

Huyện Tháp Mười luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất; thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện và các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động. Đến nay, đã cung cấp thông tin và giải đáp ý kiến cho 16 dự án đầu tư vào huyện, cụ thể: 2 dự án đã tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất là Tổ hợp sản xuất rau củ quả xuất khẩu Sapo Đồng Tháp của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk và Nhà máy chế biến nông sản Công ty CP đồ hộp Hạ Long. 2 dự án đang tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng là Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (mở rộng quy mô); Nhà máy nước mặt của Công ty CP cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp.

Hiện tại, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được khôi phục mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng, từ đầu năm 2023 đến nay có 49 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên gần 500 đơn vị. Ông Đinh Công Phủ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết: “Liên quan đến việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, nhất là đất đai sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tỉnh phê duyệt, UBND huyện Tháp Mười giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu và hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức công bố, công khai kịp thời, đúng theo quy định. Từ đó, các nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin liên quan đến các dự án đầu tư một cách dễ dàng, thuận lợi dù ở bất cứ nơi đâu. Trường hợp nhà đầu tư chưa rõ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sẽ được trả lời bằng văn bản để nhà đầu tư được rõ, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài địa phương”.

Thời gian tới, huyện Tháp Mười tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp. Khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực và tiềm năng thế mạnh của huyện. Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tham gia có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở gắn kết vùng nguyên liệu, phát huy tối đa giá trị gia tăng nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sử hữu trí tuệ.

NGỌC TÂM