Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu

Theo Bộ Công Thương, kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Để tạo đà cho các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất.

Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Công Thương đề nghị các hãng tàu duy trì tuyến, nhanh chóng đưa container rỗng về, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí, đồng thời nghiên cứu, xem xét thêm phương thức vận tải đa phương thức kết hợp với đường sắt, đường biển và đường hàng không…

Đối với Hiệp hội doanh nghiệp vụ logistics, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị phối hợp với các doanh nghiệp, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước để giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có những thuận lợi lớn nhất trong việc đảm bảo hoạt động thương mại quốc tế.

Đỗ Đạt