Để những điệu Khắp Thái vang mãi vùng Mường Mùn

Trân trọng và tôn vinh nguồn cội

Trong tiết trời se lạnh đầu tháng 12, thoang thoảng mùi hương trầm, thầy mo tại Đền vừa kết thúc một nghi thức tế lễ truyền thống khi rung lên ba hồi chuông, xen giữa là những lời nguyện trong tiếng Thái. Ông là Lò Văn Luần, năm nay gần 70 tuổi, đón mừng những người từ nơi xa và hào hứng kể lại những câu chuyện, điển tích của người Thái tại đây. Làng Bôn là một trong những câu chuyện của người Thái, thuộc tộc người Thái từ Mường Hước Khả, tức vùng Bắc Hà, Lào Cai ngày nay, dẫn đoàn người tìm nơi ở làm ăn, sinh sống từ thế kỷ XIII. Khi đến vùng Mường Mùn, nay là Mai Châu, Hòa Bình, nhận thấy nơi đây có địa thế tốt, đất đai trù phú, cây cối tốt tươi, suối trong mát lành nên đã quyết định ở lại khai khẩn đất hoang, lập bản dựng mường…, ông Lò Văn Luần kể lại.

Sinh ra và trưởng thành cùng những làn điệu dân ca Thái, ông Lò Văn Luần từ lâu đã ý thức được nhiệm vụ tìm hiểu, gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc. Từ khi thôi giữ chức vụ Trưởng phòng Y tế huyện Mai Châu, ông Luần có một trách nhiệm mới, là trông coi Đền Làng Bôn, đồng thời, cũng dành nhiều thời gian sưu tập, hoàn chỉnh và phát hành nhiều tài liệu về tín ngưỡng truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Ông bộc bạch, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và biến động của thời cuộc, những nét văn hóa truyền thống của người Thái tại địa phương không ít lần đứng trước nguy cơ mai một. Từng có thời kỳ, khu vực tọa lạc ngôi đền được chia đất cho người dân để xây nhà, sản xuất. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và đến năm 2014, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, Đền Làng Bôn chính thức được phục dựng trên một vị trí khác, khang trang hơn, cao đẹp hơn. Ngôi đền được xây dựng khang trang theo mẫu nhà sàn của người dân tộc Thái, tựa lưng vào những dãy núi cao, hướng thẳng ra những cánh đồng trù phú của xã Chiềng Châu. Từ đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa của người dân địa phương. Nhờ vậy, những phong tục, giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân tộc Thái tại đây vẫn được gìn giữ và tạo mọi điều kiện để phát triển, cùng với đó, những hủ tục lỗi thời đã được loại bỏ.

Thường niên, nhằm ngày 9 và 10 tháng Giêng, người dân tại xã cũng như tại Mai Châu đều tụ hội tại đây, tổ chức lễ hội Xên bản, Xên mường với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian như bắn nỏ, kéo co hay đánh quả cù, quả quay, hát giao duyên và đặc biệt là “keeng loóng”.

Bà con tại Nà Phòn biểu diễn Khắp Thái.

Di sản văn hóa từ hoạt động sản xuất

Những cánh đồng tại xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, vừa mới qua mùa gặt, nhiều thửa ruộng đã bắt đầu được người dân trồng loại cây mới. Thời gian này, ở Bản Nhót, xã Nà Phòn vẫn thi thoảng vang lên những tiếng gõ cóc cách vui tai, nhịp nhàng. Đó là tiếng “keeng loóng”.

Lý giải về “keeng loóng”, chị Lò Thị Kim, 42 tuổi, người dân tộc Thái tại Bản Nhót, chia sẻ rằng đây là hoạt động không thể thiếu với người dân địa phương, “loóng” có nghĩa là máng (cái máng dùng để giã lúa), “keeng loóng” tức là gõ bằng chày vào hai bên thành của máng giã lúa. Mặc dù có nhiều điển tích về sự ra đời của “keeng loóng”, nhưng theo một số tài liệu, từ thời xa xưa, lương thực chính của đồng bào dân tộc Thái là gạo nếp. Sau mỗi mùa gặt, các gia đình gom lúa thành từng bó to để lên gác bếp. Lúc cần ăn để cả bông cho vào máng giã thành gạo. Công việc này đòi hỏi thể lực, làm một mình vừa vất vả và mất thời gian, nên mỗi lần giã lúa thường có từ 6 đến 8 người trong gia đình hay bà con láng giềng đứng đều sang hai bên, vừa giã, vừa nhún nhảy thể hiện sự tươi vui. Tiếng giã rộn ràng, có nhịp điệu tạo thành tiếng nhạc, khiến lao động bớt mệt mỏi, công việc đều tay, hiệu quả hơn.

Chính vì lẽ đó mà dần dần, tiếng gõ vào máng giã lúa và tiếng chày gõ vào nhau đã gắn bó sâu sắc đối với đời sống lao động và tinh thần của người dân nơi đây. Có lẽ hiếm có nơi nào, dân tộc nào lại có sự sáng tạo như người Thái Mai Châu đã biết biến đồ dùng, công cụ lao động thiết yếu hàng ngày thành một loại nhạc cụ độc đáo, có thể được trình diễn trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ Xên bản, Xên mường, lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán... để cầu mong những điều tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Với giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử và tính nghệ thuật, ngày 10/11/2023, “keeng loóng” của đồng bào Thái tại Mai Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Cùng với “keeng loóng”, người dân tại Mai Châu cũng tự hào với làn điệu Khắp Thái. Bà Hà Thị Bích, 60 tuổi, xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn, vừa “chiêu đãi” những vị khách du lịch với một làn điệu Khắp Thái, đồng thời cho biết đây là hoạt động giải trí của bà con dân tộc mỗi khi làm việc đồng áng hay sản xuất, lao động, tiếng hát giúp họ vơi đi phần nào những vất vả, khó nhọc. Qua thời gian, Khắp Thái cũng được trình diễn trong các dịp lễ hội, mừng trẻ mới sinh hay mừng nhà sàn mới và mới đây là đưa vào phục vụ khách du lịch.

Để bảo tồn và lan tỏa làn điệu dân ca này, cùng với sự ủng hộ của chính quyền xã và bà con địa phương, bà Hà Thị Bích thành lập câu lạc bộ Khắp Thái, gồm hơn 30 thành viên, cả nam và nữ thuộc mọi độ tuổi, sinh hoạt định kỳ một lần mỗi tuần. Thậm chí, có những người khi mới tham gia chưa biết Khắp Thái nhưng sau khi sinh hoạt định kỳ đã có thể thành thục làn điệu này. Dù vậy, việc duy trì câu lạc bộ vẫn còn nhiều khó khăn, bà Hà Thị Bích rất mong các cấp chính quyền có sự quan tâm và đầu tư hợp lý nhằm bảo tồn “di sản văn hóa quý báu” này của dân tộc Thái.

Ông Hà Văn Ngân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, cho biết, công tác bảo tồn văn hóa tại xã Nà Phòn trong thời gian qua nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp chính quyền. Bên cạnh câu lạc bộ Khắp Thái, xã còn thành lập được câu lạc bộ “keeng loóng”, nhằm bảo tồn những di sản của dân tộc Thái tại Mai Châu nói chung và Nà Phòn nói riêng. Chính quyền xã cũng nỗ lực đưa ra những hoạch định hàng năm về bảo tồn di sản, phát triển du lịch, nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các cấp.

Nà Phòn là xã thuộc diện 135, có gần 790 hộ dân, hơn 3.300 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 98%. Trong năm 2022, xã có đến 183 hộ nghèo, nhưng năm 2023, nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, số lượng hộ nghèo đã giảm gần một nửa, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 42 triệu đồng/người/năm. Bảo tồn văn hóa kết hợp với du lịch đang giúp bà con địa phương tiếp nối các di sản mà ông cha để lại cũng như ổn định cuộc sống.

Duy Tiến