Để tội phạm trên không gian mạng hết đường lộng hành

Chiều 30-12, tại TP Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Tại đây, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng và các bộ, ngành về vấn đề tăng trưởng xanh, tín dụng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn hay làm thế nào để tạo đầu ra thị trường được ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, ngăn chặn các hình thức lừa đảo...

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an (thứ hai, từ phải qua) tại hội nghị đối thoại. Ảnh: VGP

Tội phạm trên không gian mạng hết đường lộng hành

Chia sẻ cụ thể về giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, bán những nông sản kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng ộ Công an, cho hay thời gian qua nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để tạo ra nhiều website đạo nhái với mục đích lừa đảo trên không gian mạng.

Hoặc sử dụng các logo gần giống các logo sản phẩm đang bán chạy, ăn khách trên thị trường; tín dụng đen, qua các app cho vay…

“Trong sáu tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 1.650 vụ lừa đảo chủ yếu qua điện thoại di động, điện thoại thông minh. Phát hiện và xử lý hơn 700 vụ tín dụng đen, 400 vụ cho vay lãi nặng qua điện thoại, giao dịch nhân sự trên không gian mạng” – ông nói và nhìn nhận thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

Để phòng ngừa vấn đề này, Bộ Công an đã sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các chỉ thị, hoàn thiện và thông qua nhiều dự luật quan trọng như Luật An ninh mạng và sắp tới là Luật giao dịch điện tử. Đáng chú ý, năm 2022, Bộ Công an chủ trì tham mưu Chính phủ thực hiện quyết liệt Đề án 06.

“Nếu áp dụng Đề án 06 thì toàn bộ kho số di động sẽ được đối sánh và xác thực định danh thông qua cơ sở liệu liệu quốc gia. Như vậy, tội phạm lừa đảo trên mạng sẽ không còn đường lộng hành” – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Để ngăn ngừa tốt nhất thực trạng lừa đảo trên không gian mạng, Trung tướng Lê Quốc Hùng đã đưa ra ba giải pháp.

Đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân trong đó có nông dân. Bà con cần tìm hiểu kỹ các quy định về giao dịch ngân hàng, giao dịch dân sự trên mạng, trên sàn điện tử; nắm bắt được thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng trên không gian mạng… để chủ động phòng ngừa

Khung pháp lý cần xây dựng chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giảm bớt lỗ hổng về mặt pháp luật thì các đối tượng sẽ khó có thể chiếm đoạt lừa đảo trên không gian mạng.

Cạnh đó là tăng cường phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ. Các lượng chức năng vừa phải tăng cường nắm tình hình, vừa phải tăng cường hợp tác để xử lý các đối tượng lừa đảo này. Tăng cường hợp tác quốc tế để sớm nắm bắt các hành vi lừa đảo mới từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định để ngăn chặn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì đâu tiên cần xây dựng hành lang về pháp lý. Ảnh: VGP

3 biện pháp để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng

Trao đổi thêm sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần được khu trú với một số biện pháp.

Đầu tiên là xây dựng hành lang về pháp lý. Ông yêu cầu Bộ TT&TT cần hoàn thiện các quy định liên quan như Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Tiếp đó, là các vấn đề về kỹ thuật, ông yêu cầu các tập đoàn viễn thông cần tham gia, tuyên truyền nhiều hơn nữa về các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân.

Quan trọng hơn cả theo Thủ tướng là bản thân mỗi người dân phải trang bị những kiến thức để nhận biết và cảnh giác trước những hình thức lừa đảo của đối tượng, tránh gặp những hệ quả khó lường.

“Không ai lo cho mình bằng chính bản thân mình” – Thủ tướng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (phải) trao đổi với nông dân tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP

NGUYỄN THẢO - BẢO PHƯƠNG