Gen Z đi phỏng vấn việc làm nhưng dẫn cả phụ huynh theo cùng

Lao động gen Z được đánh giá là có bằng cấp "đẹp" nhưng kỹ năng mềm lại rất kém. Ảnh: Pexels.

Ở tuổi trưởng thành, nhất là khi mới tốt nghiệp đại học, gen Z gặp phải những trở ngại do nhiều vấn đề trong môi trường sống, khiến kỹ năng giao tiếp của các bạn kém đi. Điều này lại trở thành một mối bận tâm khá lớn đối với các nhà tuyển dụng.

Ngại giao tiếp, sợ người lạ

Tháng 12/2023, nhóm nghiên cứu Intelligence tại bang New Jersey (Mỹ) đã thực hiện một khảo sát với 800 nhà quản lý, giám đốc điều hành tại Mỹ - những người trực tiếp tuyển dụng ứng viên.

Khi được hỏi về ứng viên gen Z, khoảng 39% nhà tuyển dụng nói rằng các ứng viên gen Z gặp khó khăn khi nhận việc.

Đó là lý do họ ưu tiên tuyển những ứng viên lớn tuổi hơn. 60% nhà tuyển dụng cũng cho biết họ sẵn sàng trả lương cao, ưu đãi tốt hơn để tuyển lao động lớn tuổi thay vì sinh viên mới tốt nghiệp.

Cũng với lý do tương tự, 48% nhà tuyển dụng cung cấp công việc online hoặc công việc kết hợp để có thể tuyển được người lớn tuổi.

Do đã quen với giao tiếp qua Zoom, nhiều bạn trẻ rất sợ phỏng vấn trực tiếp. Ảnh: Pexels.

Nói về quá trình phỏng vấn việc làm, cứ 5 nhà tuyển dụng thì một người cho biết sinh viên mới ra trường thường không có sự chuẩn bị trước khi phỏng vấn.

Cụ thể, những ứng viên gen Z bị cho là không biết giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng, các bạn cũng bị đánh giá thấp vì ăn mặc không phù hợp và đưa ra mức lương vô lý. Ngay cả khi phỏng vấn online, nhiều bạn cũng từ chối bật camera. Thông tin này được 21% nhà tuyển dụng thông tin với Intelligence, theo New York Post.

Cũng trong khảo sát này, khoảng 20% nhà tuyển dụng cho biết các ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã dẫn phụ huynh đến nơi phỏng vấn.

Nói thêm tác phong làm việc của gen Z, cứ 3 nhà quản lý thì 2 người nói rằng nhân viên gen Z không thể quản lý khối lượng công việc của mình.

Đi muộn cũng là vấn đề khiến nhiều nhà quản lý đau đầu, đến 60% người làm khảo sát cho biết nhân viên gen Z của họ thường xuyên đi làm muộn và chậm deadline.

Ngoài ra, các nhà tuyển dụng lưu ý thêm rằng những nhân viên trẻ nhất thường có thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp kém và không biết cách tương tác, phản hồi với quản lý. Gần một nửa trong số 800 người khảo sát cho biết họ từng sa thải ít nhất một nhân viên là tân cử nhân.

Hàng loạt tác nhân khiến gen Z trở thành "kẻ yếu"

Trước đó, trong một khảo sát khác của Intelligence vào tháng 8/2023, khoảng 62% nhà tuyển dụng cho biết môi trường sống chính là lý do khiến nhiều bạn trẻ chưa sẵn sàng đi làm dù đã tốt nghiệp.

Bà Natalie E. Norfus, chuyên gia tuyển dụng của một công ty ở bang Florida, nói rằng các bậc cha mẹ, đại dịch và những sự thay đổi của thời cuộc cũng chính là những tác nhân lớn nhất khiến gen Z trở nên như vậy.

Chuyên gia nhân sự khuyên các nhà tuyển dụng nên cho gen Z cơ hội cải thiện bản thân. Ảnh: Pexels.

Mikayla Kelly (21 tuổi), tốt nghiệp Đại học Auburn vào tháng 12 với tấm bằng kép về Báo chí và Marketing. Dù tốt nghiệp song bằng, Kelly vẫn rất chật vật khi tìm việc. Lý do cô không được nhà tuyển dụng để mắt đến là "giao tiếp kém".

"Khi phỏng vấn, tôi thường nói vấp. Tôi nghĩ vấn đề đó nằm trong tiềm thức của tôi. Tôi cũng cảm thấy bản thân chưa thực sự sẵn sàng khi bước và buổi phỏng vấn thực tế", Kelly nói với Fox News.

Cô gái thừa nhận rằng đại dịch và trường đại học là những nguyên nhân khiến cô mất khả năng giao tiếp và thiếu kỹ năng trả lời phỏng vấn trực tiếp.

Năm nhất đại học, Kelly đã phải học online hoàn toàn do Covid-19 bùng phát. Không riêng Kelly, những người bạn khác trong lớp cô cũng kém kỹ năng giao tiếp vì mọi người chỉ trao đổi với nhau qua Zoom, rất ít khi gặp mặt trực tiếp. Do đó, nhiều bạn cảm thấy căng thẳng khi phải ngồi đối diện người khác để nói về một vấn đề nào đó.

Các trường đại học cũng không giúp sinh viên chuẩn bị những kỹ năng mềm như vậy. Kelly nói rằng khi lên lớp, cô chỉ ưu tiên điểm số trong các bài kiểm tra và hoàn thành các chứng chỉ còn những kỹ năng mềm cơ bản đã hoàn toàn bị đánh mất trong đại dịch.

Bàn về những chia sẻ của Kelly, bà Natalie E. Norfus nói rằng các trường đại học cần hành động nhiều hơn nữa để giúp sinh viên bước và thị trường lao động thay vì chỉ tập trung vào kiến thức sách vở.

Ngoài ra, bà Norfus cũng nêu rằng có thể lao động gen Z đang thiếu quan điểm về quá trình phát triển sự nghiệp, các bạn chưa thực sự xác định rõ mình cần bao nhiêu thời gian cho việc này.

Theo bà, lao động gen Z dễ dàng lấy thông tin từ điện thoại di động, các trang mạng xã hội... nên nhận thức của các bạn về mốc thời gian nghề nghiệp có thể bị tác động từ những nội dung trên mạng. Do đó, điều quan trọng là gen Z cần phải xác định được sự thành công đối bản thân là thế nào, từ đó xác định lộ trình để thực hiện.

Bản thân bà Norfus không hề đánh giá thấp gen Z, ngược lại bà thấy rằng nhiều bạn trẻ rất tiềm năng, chỉ là chưa được phát huy và hướng dẫn đúng cách.

So với thế hệ trước, bà thấy gen Z được tiếp cận công nghệ và các nguồn thông tin nhiều hơn, có những quan điểm và sáng kiến có giá trị cho doanh nghiệp.

Bà Norfus khuyên nhà tuyển dụng nên có thái độ cởi mở hơn với gen Z để tạo cơ hội cho các bạn phát huy tiềm năng của bản thân, đồng thời cải thiện những vấn đề còn tồn đọng.

Thái An