'Giải mã' sức hút FDI của Việt Nam

Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, tổng vốn đầu tư khoảng 22,4 tỷ USD. (Nguồn: Vietnamplus)

Chính trị - xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao (GDP năm 2023 đạt 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của thế giới), chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp… là những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng lựa chọn Việt Nam.

FDI tăng ấn tượng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bốn tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2023; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của bốn tháng đầu năm trong năm năm qua.

Đáng lưu ý, vốn đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao về cả số dự án và vốn đầu tư. Về vốn đăng ký mới, cả nước có 966 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,8% so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng góp phần làm nên kết quả tích cực của kinh tế bốn tháng đầu năm với tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.

Một dấu ấn đáng chú ý khác là những tháng đầu năm, Việt Nam đón nhiều đoàn xúc tiến đầu tư từ nước ngoài. Trung tuần tháng Ba, hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ tới nước ta, là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ khi hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023). Tham gia đoàn công tác, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ như: AES, Coca-Cola, KKR… khẳng định các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Cuối tháng Ba, 15 tỷ phú từ Thái Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Định và đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.

Theo kết quả khảo sát 600 doanh nghiệp có doanh thu ít nhất 150 triệu USD/năm tại sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN của ân hàng HSBC thực hiện trong tháng 2/2024, một nửa số doanh nghiệp được hỏi muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để kinh doanh và đầu tư. Việt Nam cũng đã là “miền đất hứa” của những cái tên hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, Foxconn...

Trả lời Báo Thế giới & Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Việt Nam đã và sẽ là điểm đến hấp dẫn trên thế giới trong dòng vốn đầu tư dịch chuyển khu vực và quốc tế nhờ ưu thế ổn định chính trị, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại”.

Theo ông Phong, thực tế đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng… Về thể chế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chip...

Nơi uy tín để FDI “hạ cánh”

Để có được điểm sáng về thu hút FDI, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá tích cực. Tháng Tư vừa qua, trang cbgabd.org của Trung tâm KRF (chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, trụ sở tại Bangladesh) nhận định, chiến lược quốc gia của Việt Nam là tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, gồm nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ và du lịch… tăng cường hơn nữa sự hấp dẫn của đất nước đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo bài viết, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược với tư cách là trung tâm sản xuất cũng như có tầm quan trọng đối với kinh tế Đông Á. Việt Nam có môi trường đầu tư thuận lợi, tầm nhìn kinh tế được hoạch định rõ ràng, thực thi chính sách công bằng, không có nhiều rào cản đầu tư và cơ chế ưu đãi hấp dẫn. Việt Nam chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó thể hiện cách tiếp cận chủ động trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, FDI của Việt Nam hứa hẹn tăng mạnh mẽ.

Còn trong bài viết với tiêu đề “Quốc gia nào sẽ dẫn đầu tăng trưởng tài sản toàn cầu trong thập niên tới?” đăng trên trang Infobae (Argentina) hồi tháng Hai năm nay nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến ưa thích và đầy hứa hẹn để thiếp lập hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực như công nghệ và xe hơi. Bài viết dẫn kết quả nghiên cứu của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth và cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có mức gia tăng tài sản lớn nhất.

Sức tăng trưởng đáng chú ý này là do Việt Nam đang chuyển đổi thành trung tâm sản xuất của thế giới, với dự báo về tốc độ tích lũy tài sản sẽ tăng 125% trong 10 năm tới. Do đó, không chỉ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ ở mức cao, mà số triệu phú cũng sẽ tăng lên đáng kể, cùng với việc củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu cho đầu tư quốc tế.

Bài báo nhấn mạnh, sức hấp dẫn đối với các tập đoàn, cùng với thương hiệu về sự an toàn, đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy và thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Nâng cao sức cạnh tranh

Mặc dù đạt thành tích ấn tượng trong thu hút FDI, môi trường đầu tư, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những trở ngại. Những “điểm nghẽn” như: thủ tục hành chính rườm rà; năng suất lao động chưa cao, chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện… vẫn thường bị “điểm danh”.

Về những trở ngại, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng, thứ nhất, đó là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động; thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất; cuối cùng là về môi trường pháp lý.

Theo khảo sát kết nối toàn cầu HSBC (HSBC Global Connection) công bố tháng 8/2023, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. 30% công ty được hỏi gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng. Theo ông Evans, Việt Nam cần có chiến lược nhằm thu hút thêm FDI với khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN.

Trong khi đó, bài viết trên Infobae cũng nêu rõ, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đào tạo lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng, tăng cường hiệu quả và năng suất lao động thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và những đối tác trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thu hút đầu tư. Theo đó, cần đưa ra các chính sách ưu đãi đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có chất lượng cao. Ngoài ra, việc đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư theo kinh nghiệm quốc tế để thu hút được những nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất, gia tăng giá trị... Cạnh tranh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Việt Nam cũng đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này.

Còn theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để thu hút FDI chất lượng, hiệu quả hơn, ưu tiên số một vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp, cùng với đó là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Hoàng Nam