Gửi lòng mình về Đức Phổ thân yêu

Tôi nhớ, vịnh biển Châu Me nhỏ bé nhưng tuyệt đẹp. Nhìn về phía Tam Quan của Bình Định, Châu Me với bãi biển cát trắng phau, với những dãy hàng quán bán các món ăn thủy sản được chế biến theo phong cách giản dị nhất, nhưng cũng là ngon nhất: nướng và hấp. Nướng bằng than hoa và hấp bằng lửa củi. Mùi thơm của hải sản tươi rói khi được chế biến nhẹ nhàng như vậy đã tỏa hương thơm cả một vùng biển.

Chương trình "Ly cà phê 50 nghìn đồng" hướng về Đức Phổ

Nhưng giờ đây, bãi biển Châu Me vắng người, hàng quán tạm dẹp, và thực khách các nơi không còn ai dám tới, chỉ vì dịch bệnh đang hoành hành tại đây.

Đức Phổ là địa phương không giàu có, nhưng đầy bản sắc. Nơi đây, núi và biển song hành, có lúc như đan cài, nhiểu đoạn chỉ chừa một khoảng hẹp cho quốc lộ 1 uốn lượn qua những con đèo thấp. Đức Phổ có Sa Huỳnh, một trong những niềm tự hào về cảnh đẹp và sức thu hút du khách của Quảng Ngãi. Vậy mà, Covid -19 tàn độc đã tràn tới.

Mấy năm trước, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã “pha chế” ra “Ly cà phê 50 nghìn” quyên góp tiền ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Vừa qua, khi Bắc Giang thành một điểm nóng của dịch bệnh, đã có 4 đơn vị báo chí và đoàn thanh niên trong tỉnh hợp nhau tổ chức “Ly cà phê 50 nghìn” quyên tiền ủng hộ Bắc Giang. Tiền góp được chưa kịp gửi đi, thì TP.Hồ Chí Minh bùng phát dịch. Vậy là “bát cơm sẻ nửa”, 100 triệu đồng được gửi ra Bắc Giang, còn 140 triệu đồng được gửi vào “Thành phố nghĩa tình” Sài Gòn.

Tôi tham gia “Ly cà phê 50 nghìn” này từ nhiều năm nay, chưa bao giờ thấy người Quảng Ngãi, dù là nhà báo hay không phải nhà báo, lại ân tình và trìu mến như vậy khi đóng góp những đồng tiền không dư thừa của mình vì nghĩa cử cao đẹp này. Quả thật, rất hiếm khi người Quảng Ngãi lại có cơ hội gửi chút tình thơm thảo của mình vào TP.Hồ Chí Minh, nơi đã cưu mang biết bao người Quảng Ngãi, từ những em học sinh vào học đại học hay cao đẳng trong thành phố, tới những bà con nghèo Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh và kiếm tiền nuôi con ăn học bằng những công việc lao động đơn giản. Thu nhập tuy ít ỏi, nhưng đó là những đồng tiền phát huy hiệu quả cao nhất nuôi sống những gia đình ở quê, nuôi những con em đang theo học tại thành phố.

Tôi vẫn nhớ, có lần về xã Phổ Cường, nơi chị Đặng Thùy Trâm từng có những tháng năm gắn bó chăm sóc y tế cho những người dân ở đây, tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều những ngôi nhà lợp ngói khang trang trong xã. Anh em Đức Phổ nói với tôi, đó là những ngôi nhà được dựng lên bằng tiền của người Đức Phổ vào Sài Gòn bán hủ tiếu và mỳ gõ đấy. Bỗng quý vô cùng những đồng tiền lẻ mà người dân ở đây đã chắt chiu dành dụm từ lao động mồ hôi, nước mắt của mình. Đẹp làm sao là những ngôi nhà dân nghèo được dựng lên khang trang từ những đồng tiền nhỏ nhoi như thế.

Lần này, khi Đức Phổ bị dịch Covid-19, trong “Ly cà phê 50 nghìn” của anh chị em nhà báo tỉnh Quảng Ngãi có sự tham gia đầy nhiệt huyết của Hội LHPN tỉnh, của những chi hội phụ nữ từ các nơi trong tỉnh, nhất là Hội Phụ nữ huyện Đức Phổ. Chị em phụ nữ Quảng Ngãi, nhất là chị em phụ nữ nông thôn, phần lớn đều còn nghèo. Nhưng họ giàu tình yêu thương và đức chia sẻ với bà con mình.

Lần này, mục tiêu phấn đấu của Chương trình “Ly cà phê 50 nghìn” là quyên góp được 200 triệu đồng gửi về chia sẻ với Đức Phổ thân yêu. Con số đó đang chạy nhanh về đích. Tôi nói với anh em nhà báo trong ban tổ chức, là lần này, nên ủy nhiệm cho Hội Phụ nữ huyện Đức Phổ lập danh sách những gia đình cần cứu trợ do dịch bệnh, và cùng với chị em Hội Phụ nữ Đức Phổ trao tận tay những bà con đang gặp khó khăn vì dịch bệnh ở vùng đất đứng vào hàng đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi này.

Rồi khi dịch bệnh “lui quân”, bãi biển ẩm thực Châu Me lại đông khách, Sa Huỳnh lại tấp nập người về nghỉ dưỡng và tắm biển, Đức Phổ lại đẹp hơn dưới những bàn tay lao động cần mẫn. Và những bài báo giới thiệu về cảnh đẹp Đức Phổ, về những tấm chân tình Đức Phổ lại hiện lên đầm ấm trên các báo.

Chương trình “Ly cà phê 50 nghìn” xin gửi lòng mình về Đức Phổ thân yêu.

Thanh Thảo