Hưởng ứng phong trào đọc sách qua Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2024 tại Bắc Ninh

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 của tỉnh Bắc Ninh thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. (Nguồn: VTC News)

Là năm thứ 3 liên tiếp được tổ chức, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại tỉnh ắc Ninh hứa hẹn nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Các hoạt động chính trong 3 ngày diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tỉnh Bắc Ninh năm 2024 bao gồm: lễ khai mạc phát động phong trào đọc sách; trưng bày, giới thiệu sách; tặng sách; phục vụ đọc miễn phí; giao lưu với các diễn giả, tác giả và bạn đọc; tọa đàm giới thiệu tác giả, tác phẩm; chương trình ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian...

Song song với các hoạt động chính là các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức từ tháng 3 đến hết tháng 4 năm 2024 (trọng tâm từ 8/4-1/5/2024) tại các hệ thống trường học, các thư viện, nhà văn hóa; tại các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội.

Trong đó bao gồm nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức Ngày hội đọc sách theo từng chủ đề tại các trường học; phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên; xây dựng và phát triển mô hình thư viện trường học thân thiện với các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng cấp học, ngành học; phát động, tổ chức phong trào thu gom sách, ủng hộ sách cho các trường học còn thiếu sách, ít sách; tổ chức trưng bày, triển lãm sách, giới thiệu các ấn phẩm sách; xây dựng mô hình tủ sách gia đình, dòng họ, phòng đọc nhà văn hóa địa phương…

Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc được tỉnh Bắc Ninh chú trọng duy trì tổ chức thường niên nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đây cũng là một cách để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, sự kiện còn tạo cơ hội để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam trong đời sống xã hội.

Tống Thoan