Kiên Giang: Cải thiện chỉ số PAPI là trọng tâm của quá trình phát triển

Hội nghị trực tuyến phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2020

Những con số biết nói

Kiên Giang xếp thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước, giảm 12 hạng so với năm 2019 và thuộc nhóm đạt điểm thấp, nhóm 04 tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể: Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, điểm số năm 2020 đạt 4,25điểm/10 điểm chuẩn, giảm 0,10 điểm so với năm 2019, xếp hạng thứ 58/63 tỉnh thành trong cả nước, giảm 01 hạng so với năm 2019 và thuộc nhóm điểm thấp nhất của cả nước, xếp thứ 10/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đạt 4,81điểm/10 điểm chuẩn, giảm 0,19 điểm so với 2019, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 06 hạng so với 2019 và thuộc nhóm điểm thấp của cả nước, xếp thứ 10/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,84điểm/10 điểm chuẩn, tăng 0,22điểm so với 2019 và xếp thứ 37/ 63 tỉnh, thành, tăng 16 hạng so với 2019, thuộc nhóm trung bình thấp, xếp thứ 10/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,87 điểm/10 điểm chuẩn, giảm 0,37 điểm so với 2019, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành, giảm 25 hạng so với 2019 và thuộc nhóm điểm trung bình thấp; xếp vị trí 12/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số Thủ tục hành chính công đạt 7,46 điểm/10 điểm chuẩn, tăng 0,03 điểm so với 2019 và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành, giảm 02 hạng so với 2019 và thuộc nhóm trung bình cao; xếp thứ 6/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số Cung ứng dịch vụ công đạt 6,25 điểm/10 điểm chuẩn, giảm 0,54 điểm so với 2019 và xếp thứ 60/63 tỉnh, thành, giảm 12 hạng so với 2019 và thuộc nhóm điểm thấp của cả nước; xếp thứ 12/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số quản trị môi trường đạt 3,43điểm/10điểm chuẩn, giảm 0,37 điểm so với 2019 và xếp thứ 32/63 tỉnh, thành, giảm 16 hạng so với 2019 và thuộc nhóm trung bình cao; xếp thứ 11/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số quản trị điện tử đạt 2,62 điểm/10điểm chuẩn, giảm 0,37 điểm so với 2019 và xếp thứ 40/63 tỉnh, thành, tăng 02 hạng so với 2019 và thuộc nhóm trung bình thấp; xếp thứ 06/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận thức chưa kịp thời

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI 2020 của tỉnh chưa đạt được như mong muốn. Đó là do sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa đồng bộ, nhận thức của một số lãnh đạo, nhất là người đúng đầu và cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời. Công tác kiểm tra, đôn đốc của người đứng đầu của một số cơ quan, địa phương trong khâu tổ chức thực hiện còn có mặt hạn chế, chưa sâu sát; việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ chưa tốt, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi chưa thực hiện tốt; sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở còn chưa cao; việc giải quyết thủ tục hành chính có nơi còn chậm chễ, quá hạn, chưa thực hiện tốt việc gửi thư, văn bản xin lỗi và giải trình lí do cho người dân, …

Việc triển khai tổ chức thực hiện của chính quyền về thực hiện nhiệm vụ và giải pháp khắc phục nâng điểm chỉ số chưa kịp thời, thiếu quyết liệt; cập nhật giải quyết kiến nghị phản ánh còn hạn chế. Các Sở, ban, ngành địa phương còn thực hiện chưa tốt vịec công khai, minh bạch, chưa đúng, chưa đầy đủ và kịp thời theo quy định, chưa đáp ứng được yêu cầu thiết thực của người dân.

Người dân là trọng tâm của quá trình phát triển

Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân vì người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của nhà nước và chính quyền các cấp, đồng hành cùng nhà nước trên bước đường xây dựng “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, trong năm 2021, các cấp các ngành trong tỉnh cần tập trung cải thiện các chỉ số đang ở nhóm điểm thấp lên trung bình thấp; nhóm điểm trung bình thấp lên nhóm điểm trung bình cao và nhóm đạt điểm trung bình cao lên nhóm cao nhất của các tỉnh, thành trong cả nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; ý thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia đời sống chính trị ở cơ sở.

Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định. Đảm bảo việc tiếp cận thông tin được dễ dàng và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin hữu ích, đáng tin cậy cho người dân.

Nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương với người dân. Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Giải quyết sớm, hiệu quả các vấn đề còn bức xúc, khiếu nại kéo dài của người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại giữa chính quyền với nhân dân; cải thiện niềm tin của người dân vào các cơ chế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo hiện có; tăng cường hiệu quả hoạt động của tòa án địa phương trong giải quyết các tranh chấp dân sự cho người dân.

Phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng để cán bộ, công chức, viên chức biết thực hiện và người dân giám sát việc thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong việc thực thi công vụ.

Cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ công, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, đầu tư giáo dục, giao thông,…nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Trương Anh Sáng