Kỳ vọng thị trường lao động năm 2024

Cắt giảm việc làm “giảm nhiệt”

Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search khảo sát vào quý III/2023 từ 550 doanh nghiệp cùng hơn 4.000 ứng viên làm việc tại 23 ngành nghề, ở 6 tỉnh, thành: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 82% doanh nghiệp được khảo sát chịu tác động tiêu cực từ thị trường khi tổng cầu thế giới sụt giảm, mất đơn hàng và cắt giảm nhân sự là biện pháp ứng phó đầu tiên với 69% lựa chọn; gần 53% doanh nghiệp tạm ngừng tuyển dụng mới.

Hoạt động tuyển dụng, giới thiệu việc làm diễn ra sôi động trên thị trường Hà Nội.

Toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, vận tải, vật liệu xây dựng, dược phẩm, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tham gia khảo sát cắt giảm dưới 25% nhân viên. Các công ty dịch vụ tài chính và tư vấn, chứng khoán, dệt may, da giày giảm 25 - 50% nhân sự. Nếu bị cắt giảm, tỷ lệ lao động quay trở lại được thị trường khá thấp. Cụ thể, chỉ hơn 4% tìm được việc mới, 11% vẫn thất nghiệp, 2% chọn làm thời vụ và hơn 1% chuyển sang tự kinh doanh riêng. Làn sóng cắt giảm việc làm dự báo kéo dài tới đầu năm 2024 song có dấu hiệu giảm nhiệt từ quý III năm 2024. “Trong năm 2024, gần 60% công ty được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% lao động. Gần 100 doanh nghiệp muốn tuyển thêm 25 - 50% nhân sự. Một phần nhỏ có nhu cầu về lao động thời vụ hoặc làm tự do. Chỉ trên 1% đơn vị muốn tuyển dụng quy mô lao động trên 75%” - báo cáo cho hay.

Qua công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng. “Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố khoảng 100.000 - 120.000 lao động, xu hướng tuyển dụng sẽ rất đa dạng phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước) tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng ... (tăng khoảng 10 - 15%). Ngoài ra, nhóm ngành về khoa học, công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn do ảnh hưởng của xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên toàn cầu. Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại sau khi bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) đã có dự báo ban đầu về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực quý I/2024. Theo đó, riêng quý I/2024, nhu cầu nhân lực của thành phố là khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,23%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,14%....

Cần giữ được người lao động

Nhận định về xu hướng thị trường lao động năm 2024, Navigos cho biết, xu hướng việc làm được người lao động quan tâm nhất trong năm 2023 sẽ kéo dài đến năm 2024 là làm việc linh hoạt. Đặc biệt, mối quan tâm về sức khỏe tâm thần cũng được ghi nhận khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống đứng thứ hai. Các yếu tố khác bao gồm làm việc từ xa, sử dụng AI và trao quyền cho người lao động. Các vị trí công việc mới cũng sẽ dần xuất hiện, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, số hóa, phân tích dữ liệu và phân tích kinh doanh.

Để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng/ đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính…

Về phía người lao động, để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, các chuyên gia khuyên rằng, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Người lao động cần tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều nguồn tuyển dụng khác nhau, đặc biệt là các trang tuyển dụng trực tuyến, hay thông qua mối quan hệ cá nhân (giới thiệu nội bộ) và mối quan hệ với các chuyên gia tuyển dụng. Người lao động chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, nâng cao trình độ ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi... Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...

Tú Anh