Mẹ đơn thân có 'của ăn của để' nhờ khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Chị Vi Thị Lượng (thôn Hổ Lao, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)

Vươn lên từ haibàn tay trắng nhờ nguồn vốn chính sách

Năm 2001, khi 33 tuổi chồng mất, chị Vi Thị Lượng trở thành người mẹ đơn thân "gánh" trên vai 3 con thơ dại, đứa lớn 15 tuổi, đứa út mới lên 10. Cả 3 con đều đang tuổi ăn, tuổi học.

Suốt một thời tuổi trẻ, chị Lượng đã mưu sinh, chăm chồng ốm, nuôi con nhỏ, trở thành một người thành công khi khởi nghiệp nông sản tại địa phương

Khó có thể diễn tả được những lận đận mà chị Lượng đã trải qua trong suốt chặng đường 20 năm ấy. Không chỉ thiếu thốn về kinh tế, chị còn phải đóng 2 vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm sóc các con.

Cảm giác khi chỉ còn một mình của chị là "bơ vơ không biết bắt đầu từ đâu", để giảm được gánh nặng nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.

Vật lộn mưu sinh bán từ vài cân hoa quả đến ít củi của nhà nhưng chị vẫn ao ước được làm giàu. Do học thức có hạn, bằng cấp cũng không có nên chị chẳng biết trông đợi vào đâu ngoài gánh hàng rong đi khắp nơi. Chị kể, lúc chồng mất nhà chỉ còn vỏn vẹn 4 tạ thóc. Chị mang thóc bán đi 2 tạ mua một gánh hàng rong để đi khắp thôn, xã, rồi đổi thóc lấy nhu yếu phẩm mưu sinh. Cái khó cứ quẩn quanh đeo bám mãi không thôi.

Thời gian đó, ngày nào chị cũng đi đóng hàng từ 4h chiều đến 11h đêm, ăn tạm chút gì đó rồi 2h sáng thuê xe đi Hải Dương, Hà Nội để giao măng, cam… Một tuần chỉ có 1 ngày chủ nhật chị nghỉ ở nhà. Khi đó, đứa con út không được gặp mẹ ban ngày vì khi chị về thì con đang đi học, mà đêm về thì con đã ngủ rồi. Nên ngày chủ nhật bạn bè rủ con đi chơi thì con cũng từ chối vì bảo phải ở nhà gặp mẹ. "Thấy mẹ từ đầu ngõ về là nước mắt con đã trào ra, nói mẹ ơi con nhớ mẹ. Tôi chỉ biết ôm con vỗ về, bảo tối nào mẹ cũng ôm con ngủ mà"- chị Lượng kể lại mà nước mắt vẫn đọng lại nơi khóe mắt.

Nhờ Hội LHPN xã hỗ trợ, chị Lượng đã vay được vốn để làm kinh doanh

Làm giàu tại nhà mình

Rồi chị nghĩ, mình cứ đi làm khắp nơi mà mảnh vườn của nhà thì lại bỏ hoang hóa với vài cây nhãn không cho thu nhập. Trong đó, có 80 gốc nhãn khi xưa hai vợ chồng chăm bón giờ vườn đã pha tạp không còn phù hợp để nhãn cho năng suất. Thời gian đó, chị thấy nhiều người bắt đầu canh tác cây ăn quả với kỹ thuật công nghệ mới cho năng suất cao, chị mạnh dạn đề nghị Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay vốn chính sách.

Năm 2010, chị vay 10 triệu rồi 20 triệu để cải tạo đất vườn, mua giống. Đợi đáo hạn, chị lại vay thêm lên mức 100 triệu đồng để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Trước đây, chị có 5 mẫu vườn trồng nhãn, mỗi năm cho thu hoạch từ 30-40 tấn nhãn quả. Đến hiện tại chị đã tăng lên 2ha với 1.000 gốc nhãn. Mỗi vụ thu hoạch vài chục tấn. Kết quả này đã giúp chị Lượng "đổi đời".

"Có những loại cây lâu năm như bạch đàn, keo phải 4 đến 5 năm mới cho lại doanh thu, trong thời gian đó, tôi lại trồng dưới đất những cây ngắn ngày như bí, gừng và cả các loại cây theo mùa… Mỗi năm thu hoạch nông sản cũng cho tôi từ 300-400 triệu đồng "- chị Lượng chia sẻ.

Từ mô hình kinh tế nông nghiệp này, chị đã có điều kiện kinh tế để chăm sóc con cái ăn học, thành đạt, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống và mua được nhà mặt đường lớn để kinh doanh. Nhưng chị vẫn làm vườn và phát triển kinh tế theo đam mê, sở thích, cuộc sống gắn với nông nghiệp. Hiện nay các con của chị đã có cơ ngơi riêng và làm kinh tế cùng với mẹ.

Chị Lượng (bên phải) và cán bộ Hội LHPN xã Lục Sơn

Để có được ngày hôm nay, chị Lượng đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm, thành công có, thất bại có, nhưng quan trọng là tinh thần "thua mà không nản". Hơn nữa, khi được hỗ trợ vay vốn làm kinh tế, chị tự nhủ phải thành công bằng mọi giá. Điều đó không chỉ giúp cho bản thân chị mà còn có trách nhiệm với xã hội, bởi đồng vốn vay được không thể bỏ phí, bỏ lỡ.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Lượng cho biết, bà con dân tộc thiểu số ở Lục Sơn có nhiều cơ hội làm giàu từ nguồn vốn chính sách. Tuy nhiên, bà con cần có tinh thần làm chủ mảnh đất của mình chứ không nên để mảnh đất làm chủ mình. Nếu đất không năng suất thì cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khi trồng cây này không được thì trồng cây khác để có thu nhập liên tục. Khi đã vay vốn phải có trách nhiệm, nỗ lực để có lãi và trả được vốn. Chị Lượng cũng hiến kế, bà con có thể trồng bí, ngô, đu đủ, gừng xen canh cho thu nhập quanh năm.

Trong thời gian tới, chị Vi Thị Lượng vẫn tiếp tục phát huy giá trị kinh tế của các loại cây trồng bản địa như nhãn, vải và các loại cây nông nghiệp khác. Chị mong muốn bà con dân tộc thiểu số tại địa phương biết vươn lên làm giàu, làm chủ cuộc sống và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống. Từ đó, bà con sẽ đóng góp cho kinh tế địa phương, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Bài và ảnh: An Khê