Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Hải Phòng 'bay xa'

Hơn 20 sản phẩm OCOP ải Phòng đã được giới thiệu, quảng bá trong chương trình Chợ phiên livestream OCOP với chủ đề “Đặc sản Hải Phòng” do Thành đoàn Hải Phòng phối hợp các đơn vị tổ chức. Chương trình có sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên nền tảng mạng xã hội; nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng được người tiêu dùng đánh giá cao, như: “Chả chìa Hạ Lũng”, “Pate Cột Đèn”, “Nước mắm Cát Hải”, “Tinh bột củ sen Vũ Đoàn”, “Gạo ruộng rươi Kiến Quốc”... Sau 4 tiếng đồng hồ livestream, chương trình đã đạt 20,7 triệu lượt tiếp cận; 578.000 người xem trực tiếp và đạt mức doanh thu hơn 750 triệu đồng.

Nghệ nhân Lê Khắc Hoạt ở Hạ Lũng (quận Hải An, TP Hải Phòng), người sáng tạo món "Chả Chìa bác Hoạt" phấn khởi vì sản phẩm có thêm một kênh bán hàng hiệu quả. “Hiện nay, sản phẩm chả chìa Hạ Lũng đã được đưa lên bản đồ Foodtour Hải Phòng; mạng bán lẻ của Vinaphone và Viettel cũng đưa sản phẩm lên để bán nhưng chưa được nhiều. Nói chung chỉ là những phần rất nhỏ, chưa được rộng rãi trên toàn quốc. Tôi mong muốn sản phẩm được đưa lên sàn ương mại điện tử sẽ duy trì được nghề truyền thống, tạo điều kiện cho nhiều người có việc làm”, ông Hoạt bày tỏ.

Chương trình Chợ phiên livestream OCOP với chủ đề “Đặc sản Hải Phòng” do Thành đoàn Hải Phòng phối hợp các đơn vị tổ chức

Thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận và phát triển sản phẩm OCOP mới, Hải Phòng chú trọng việc xây dựng thương hiệu, thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP.

Sở NN&PTNT, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã phối hợp các địa phương, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP. Qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tổ chức, sản phẩm OCOP của TP Hải Phòng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP chất lượng luôn được dành một vị trí đẹp nhất trong các siêu thị tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Hải Phòng cho biết, siêu thị có dành riêng một khu vực trưng bày các sản phẩm OCOP của Hải Phòng và các tỉnh thành khác. Một số sản phẩm OCOP bán chạy trong siêu thị, như mật ong Tùng Hằng, nước mắm Quang Hải… “Các sản phẩm này tiêu thụ khá tốt từ khi được đưa vào kinh doanh. Siêu thị vẫn phối hợp với các Sở, ban ngành để tham gia các buổi kết nối cung cầu. Khi các sản phẩm OCOP có đầy đủ hồ sơ sẽ được giới thiệu trên các quầy kệ của Coopmart Hải Phòng”, ông Phúc cho biết.

Đa dạng hóa các hình thức nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, là một trong những giải pháp đang được TP Hải Phòng triển khai. Trong đó, việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, đến nay, số sản phẩm OCOP của Hải Phòng có cơ hội “lên sàn” mới chiếm khoảng hơn 25% tổng số sản phẩm OCOP đã được xếp hạng của thành phố.

Theo ông Đậu Văn Hải, đại diện 1 DN sản xuất nước mắm tại huyện Cát Hải, dù nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội để tiếp cận và mở rộng sản phẩm lên kênh phân phối này. Hiện DN có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm đã được bán rộng rãi tại các thị trường Hải Phòng, Việt Trì, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... nhưng chủ yếu qua các kênh đại lý.

“DN có lập 1 tài khoản shop nhưng bán buôn là chính nên chưa có thời gian likes trên các nền tảng. Thời đại công nghệ thông tin nên đây là kênh quảng cáo tốt nhất hiện nay, bởi vì với DN vừa và nhỏ, nếu quảng cáo trên truyền thông, đài truyền hình rất khó, nhưng nếu qua kênh TikTok shop hoặc các kênh thương mại khác sẽ có tính lan tỏa rất nhanh. Lúc nào DN cũng ủng hộ nhiệt tình trong kết nối nhưng đôi lúc chưa biết bắt đầu từ đâu”, ông Hải chia sẻ.

Ông Đậu Văn Hải cũng cho biết, đa phần những DN nhỏ và vừa mới chú trọng, tập trung vào khâu sản xuất; chưa có bộ phận chuyên nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến sản phẩm OCOP chưa được tiêu thụ rộng rãi là do cơ sở sản xuất chưa chú ý tới mẫu mã, bao bì nên chưa thu hút được khách hàng.

Nắm bắt được hạn chế này, cùng với việc tập huấn cho các chủ thể OCOP về thương mại điện tử, hướng dẫn các DN đảm bảo các quy trình an toàn chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở NN&PTNT Hải Phòng đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp, chủ thể OCOP với các công ty, đơn vị hỗ trợ thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Một số hợp đồng ban đầu đã được ký kết; một số DN đã có sự thay đổi trong việc phát hiển thương hiệu, đầu tư mẫu mã, bao bì...

Sau 4 tiếng đồng hồ livestream, chương trình Chợ phiên livestream OCOP đã đạt 20,7 triệu lượt tiếp cận; 578.000 người xem trực tiếp và đạt mức doanh thu hơn 750 triệu đồng

Dù vậy, ông Trần Thanh Bình (Công ty CP Đầu tư An Bình) chuyên gia kết nối OCOP cho rằng, sự kết nối 3 bên, 4 bên như vậy là chưa đủ. Các ban ngành TP Hải Phòng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để có thể phát triển, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, tương xứng với tiềm năng của địa phương.

“Chúng ta đã thay đổi chấm điểm OCOP khi trước đây chỉ nói về chất lượng, bây giờ quan trọng về mẫu mã, bao bì và đánh giá của người tiêu dùng. Đặc biệt, so với Hà Nội có 2.000 sản phẩm hay Quảng Ninh, sản phẩm OCOP của Hải Phòng rất khiêm tốn. Cần bắt tay liên kết 6 bên giữa bà con nông dân – HTX – Chính quyền địa phương – Nhà khoa học – Hiệp hội người tiêu dùng – Kết nối DN và ngân hàng vào cuộc”, ông Bình nêu.

Tăng cường kết nối nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, chú trọng khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, các Ban, ngành TP Hải Phòng đang đồng hành cùng người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh và kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc