Nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh: sắc gốm tải nhịp đời

Trên họa đàn mỹ thuật đương đại của các nghệ sĩ trẻ Hà Nội, họa sĩ Bùi Quốc Khánh để lại nhiều ấn tượng với những triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân qua các tác phẩm hội họa mang nhiều nội dung, đề tài thời sự xã hội được thể hiện với phong cách nghệ thuật đậm chất Pop-Art.

Chuyển qua chất liệu gốm, lại thấy ở Bùi Quốc Khánh một lối thể hiện khác biệt, bay bổng, đầy tính nghệ sĩ với những sáng tác hình tượng kỳ lạ, giao thoa nhiều yếu tố dân gian - đương đại - thời cuộc.

Từ họa qua gốm, lượng nghệ sĩ thành công, kể không nhiều, bởi chế tác gốm đòi hỏi những kỹ thuật thể hiện từ độ khó tạo hình, khả năng cảm chất liệu, cho đến lửa lò, men thuốc, thế nên tỷ lệ thành công cho gốm sáng tác khá hạn hữu.

Mẻ gốm đầu tay của Bùi Quốc Khánh - với những hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chế tác gốm từ nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu - khi ra lò, hỏi về sự hoàn thiện, Khánh bảo đạt gần như 100%, thành công ngoài mong đợi, cũng là chuyện xưa nay hiếm.

Nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh chia sẻ: “Mọi sự tạo hình, chi tiết của gốm, của họa, đều xuất phát từ ý tưởng, không chỉ để trang trí hay thỏa mãn cho vui, gốm chỉ là một quá trình đang học hỏi trên lộ trình phát triển nghề cho những tác phẩm về sau”.

Trong các tác phẩm gốm đầu tay của Khánh, thấy ở đó nét quen của người họa sĩ, đặc biệt là lối thể hiện màu sắc mang hiệu ứng thị giác mạnh, ấn tượng, quyến rũ người xem, giống với những sáng tác hội họa Khánh thể hiện. Nhưng chất “họa” ở gốm chỉ là một phần nhỏ khi từng hiện vật toát lên phong cách nghệ thuật tạo hình khác lạ, vượt khỏi kỹ pháp chế tác gốm thông thường, yếu tố nghệ sĩ được Bùi Quốc Khánh đẩy lên ngưỡng cao trào qua từng đường nét, chi tiết, với đủ độ khó của nghề gốm như vê, vuốt, nặn, khắc, bóp, xoay, tỉa, cắt, dán… đầy tinh tế và khéo léo.

Hỏi về nguyên cớ của cuộc chơi với gốm, nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh chia sẻ: “Dựa vào ý tưởng đồ chơi trẻ con mang tính dân gian như tò he, ngày càng mai một vì bị đồ chơi hiện đại thay thế, tôi tạo nên tác phẩm gốm dùng tối đa kỹ thuật bóp - nặn như cách làm tò he để dựng hình theo cách tự do, không gượng ép. Mục đích nữa ở loạt gốm này là tôi muốn thông qua đó tôn vinh giá trị nghề thủ công Việt Nam”.

Điểm ấn tượng trong những tác phẩm gốm của Bùi Quốc Khánh, là sự kỳ công, tỉ mỉ, trau chuốt với vô vàn chi tiết phân thành tầng lớp, nối tiếp nhau. Cũng là một hình tượng liên quan đến linh vật trâu, với cặp sừng nhọn, nhưng từng con trâu lại chuyển tải yếu tố về hình khối, màu sắc, chi tiết hoàn hoàn khác biệt.

Trong gốm Khánh, cũng tồn tại nhiều chi tiết mang yếu tố dân gian như chiếc thuyền rồng, hình ảnh cặp đôi rồng - phượng, người chèo thuyền… khi bằng tạo hình, khi bằng kỹ thuật hội họa, Khánh bảo: “Tôi muốn lồng ghép, đưa hình ảnh hoặc những chi tiết mang yếu tố văn hóa dân gian Việt vào tác phẩm. Nhiều nghệ sĩ, họa sĩ đương đại, nhìn sáng tác của họ thật khó biết thuộc vùng văn hóa, quốc gia, lãnh thổ nào, nhưng cũng có những nghệ sĩ chỉ nhìn qua tác phẩm là nhận ra ngay phông nền văn hóa bản địa, gốc xuất xứ của họ, hoặc nhận ra họ sáng tác về vùng văn hóa có chủ đích. Tôi đang cố gắng đi theo hướng sáng tác tôi là một họa sĩ, nghệ sĩ đến từ Việt Nam”.

Nguyễn Đình