Nhận diện nguy cơ xâm lăng văn hóa hiện nay

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Diệp Chi

- Thưa PGS.TS, vừa qua, hình ảnh của các bạn trẻ bày tỏ sự phấn khích, hâm mộ với một nhóm nhạc nước ngoài một cách quá mức và phát ngôn của một người đẹp trong cuộc thi hoa hậu gây nên những phản ứng gay gắt trên mạng xã hội. Ông nghĩ như thế nào về câu chuyện thần tượng của một bộ phận giới trẻ hiện nay?

- Thực ra, việc ngưỡng mộ, hâm mộ thần tượng là tâm lý khá phổ biến của con người. Đặc biệt là những người trẻ tuổi, đang có nhu cầu hoàn thiện về nhân cách, khẳng định cá tính, thì họ sẽ phải tìm những hình mẫu nào đó, để họ phấn đấu theo. Việc hâm mộ thần tượng là một nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của con người, chúng ta cũng nên tôn trọng nhu cầu đó. Điều quan trọng cần phải bàn đến, cần phải nghĩ nhiều hơn, đó chính là thần tượng nào, thần tượng ai? Những chuẩn mực của thần tượng ấy có được số đông công chúng, có được đông đảo mọi người thừa nhận hay không?

- Qua hơn 4 nghìn năm lịch sử, cha ông chúng ta đã phải chiến đấu liên tục để chống các thế lực ngoại bang xâm lược. Kẻ thù luôn tìm cách để đồng hóa chúng ta, nhưng chúng ta vẫn giữ được bản sắc, giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Nhưng dường như những giá trị truyền thống đang bị mai một trong thời gian gần đây. Nhiều bạn trẻ cho rằng, không nên mãi ôm cái giá trị của quá khứ để soi chiếu trong thời hiện đại hội nhập hiện nay. Ông nghĩ sao về quan niệm và cách nhìn nhận như vậy?

- Tôi nghĩ là những bạn trẻ có ý nghĩ rằng không nên ôm mãi quá khứ, để soi chiếu cho xã hội hiện đại là suy nghĩ khá bồng bột, chưa chín chắn. Bởi lẽ, văn hóa luôn luôn vận động và phát triển trong sự kế thừa những tinh hoa giá trị truyền thống, đã được đúc kết trong lịch sử. Nếu như lãng quên quá khứ, thì sẽ bị đứt gãy văn hóa và thật sự khó phát triển. Vì thế, chúng ta cần phải quan tâm đúng đắn đến hệ thống di sản văn hóa của dân tộc và coi đó là một tiền đề quan trọng, để phát triển văn hóa hiện đại. Không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại. Không có hiện tại thì sẽ khó mà có được tương lai. Cho nên, dứt khoát phải coi trọng việc kế thừa, gìn giữ di sản văn hóa của cha ông chúng ta. Tất nhiên, việc kế thừa phải có chọn lọc.

- Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc, nó được coi là “tấm thẻ căn cước” để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Và thực tế đã chứng minh, một dân tộc bị các thế lực xâm lược vẫn có thể giữ được văn hóa của nước mình, nhưng ngược lại, một dân tộc mà bị lũng đoạn về văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất tất cả, có đúng vậy không, thưa ông?

- Có thể nói, đây là một nhận định rất đúng về bản chất của văn hóa. Văn hóa chính là bản sắc của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam chúng ta đã có lịch sử hơn 4 nghìn năm hun đúc nên những giá trị văn hóa rất riêng. Văn hóa là một sức mạnh đặc biệt để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Đó chính là sức mạnh mềm của một đất nước. Sức mạnh của văn hóa là sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của tinh thần yêu nước và từ lòng yêu nước sẽ làm ra tất cả những gì có thể để chống giặc ngoại xâm. Cho nên, văn hóa chính là sức mạnh đặc biệt để bảo vệ Tổ quốc chúng ta.

Người dân tộc Mông vẫn gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày. Trong ảnh: Người dân xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang múa khèn Mông trong Ngày hội Biên phòng toàn dân. Ảnh: Bích Nguyên

- Trở lại câu chuyện về sự biểu thị cảm xúc một cách quá mức của các bạn trẻ, hay là những phát ngôn thiếu sự khiêm tốn của một hoa hậu đang lan truyền trên mạng xã hội hiện nay. Ông có cho rằng, đang có một sự lệch chuẩn văn hóa trong một bộ phận các bạn trẻ?

- Chúng ta đang ở thế kỷ 21, trong giao lưu văn hóa thì chúng ta phải chú ý đến chuẩn mực văn hóa của dân tộc, việc mà một số thanh niên trẻ tuổi theo một số chuẩn mực mới thì trước hết, chúng ta phải xem những chuẩn mực ấy có phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam hay không? Nếu như nó quá xa lạ với truyền thống của dân tộc, quá xa lạ với những chuẩn mực mà đất nước chúng ta thừa nhận thì cũng cần phải xem xét cho kỹ lưỡng. Bởi vậy, những hành vi mà quá lai căng, quá vọng ngoại, không phù hợp với chuẩn mực của dân tộc mình thì cũng cần phải được điều chỉnh cho đúng đắn, tránh chuyện thần tượng một chuẩn mực nào đó không phù hợp với chuẩn mực của dân tộc.

- Trước những lời nói, hành vi của một bộ phận các bạn trẻ như chúng ta vừa mới phân tích, nhiều người cũng lo ngại rằng, sự xâm lăng, xâm lấn văn hóa từ bên ngoài đang dần lấn át các giá trị truyền thống của dân tộc. Nói như vậy liệu có quá không, thưa ông?

- Bước sang thế kỷ 21, toàn cầu hóa kinh tế, toàn cầu hóa văn hóa đang là một xu thế khách quan của nhân loại. Theo tôi, cần phải nhận thức một cách đầy đủ về toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đặt ra rất nhiều thách thức. Nhưng toàn cầu hóa cũng có rất nhiều cơ hội, để cho các quốc gia hội nhập quốc tế. Chúng ta cần phải tận dụng những cơ hội của toàn cầu hóa, để làm giàu cho văn hóa dân tộc và hướng tới sự phát triển, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, chúng ta cũng phải biết cách chế ngự những thách thức, khó khăn, những tác động trái chiều do toàn cầu hóa đem đến. Như là biến đổi văn hóa, hoặc nảy sinh tâm lý sùng ngoại, lai căng, rồi vô tình để cho các làn sóng văn hóa ngoại lai bên ngoài nó tràn vào một cách ồ ạt. Như chúng ta hay nói là hiện tượng xâm thực văn hóa, xâm lấn văn hóa và cao hơn nữa là xâm lăng văn hóa.

- Cách đây hơn 100 năm, đại thi hào người Nga là Maksim Gorky đã từng nói: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy không đáng sợ hơn lời kêu gọi nền văn hóa đang lâm nguy”. Liệu rằng, nền văn hóa của dân tộc chúng ta có đủ sức đề kháng trước những "làn gió" văn hóa từ bên ngoài đang tràn vào qua con đường hội nhập, mở cửa hay không?

- Câu nói của đại thi hào Maksim Gorky là cảnh báo cho tất cả các dân tộc, một khi văn hóa lâm nguy, thì thật sự đất nước sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Bởi vì văn hóa chính là con người, khi con người thay đổi, suy yếu về tri thức, trí tuệ, thì thật sự là khó khăn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có thể nói rằng, tinh hoa của văn hóa Việt Nam chính là văn hóa giữ nước. Khi Tổ quốc chúng ta có nguy cơ bị giặc ngoại xâm, lòng yêu nước của dân tộc chúng ta lại cuồn cuộn dâng trào như một dòng thác mãnh liệt, để quét sạch tất cả bè lũ cướp nước và bán nước. Trong bao nhiêu nghìn năm lịch sử, đấy chính là truyền thống của dân tộc chúng ta. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước là thành lũy tinh thần, là sức mạnh đặc biệt, sức mạnh nội sinh của dân tộc chúng ta, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông gấm vóc, giữ gìn núi sông bờ cõi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Diệp Chi