Những ý tưởng kinh doanh sáng tạo

Sản phẩm thân thiện với môi trường

Tốt nghiệp ngành hóa mỹ phẩm, Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, kỹ sư Nguyễn Thị Xuân Thảo đã tự mày mò nghiên cứu để cho ra những sản phẩm thiết yếu trong gia đình hoàn toàn lành tính, tốt cho sức khỏe và môi trường.

Nguyễn Thị Xuân Thảo (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Thảo chia sẻ: “Mỗi ngày, để làm sạch bát đĩa, quần áo bẩn, chúng ta sử dụng hàng tấn xà phòng, nước rửa bát chứa đầy chất tạo bọt, chất bảo quản, hương liệu độc hại. Sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội, dầu xả cho tóc mượt, da mềm, nhưng lại chứa đầy silicon không phân hủy. Trong khi đó, xung quanh ta lại có nguồn dược liệu phong phú, rất quý và hữu ích, nên tôi đã nghiên cứu kết hợp cách làm khoa học ngày nay, cùng với các nguyên liệu truyền thống, tạo ra các sản phẩm sử dụng tiện lợi, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tôi có niềm tin vào nguồn nguyên liệu xanh, nó thực sự tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường”.

Thương hiệu Plantee của Thảo, sau một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm đã cho ra các dòng sản phẩm, gồm: Nước rửa chén, nước giặt từ dịch lên men thân chuối và dứa có chứa enzyme, có tính năng tách vết bẩn, khử mùi hôi. Dầu gội đầu với thành phần 100% thảo dược thiên nhiên như bồ kết, vỏ bưởi, sả, hương nhu, hà thủ ô, cỏ mần trầu, enzyme thực vật, tinh dầu sả chanh... an toàn với cả mẹ bầu và trẻ em. Sản phẩm kem đánh răng Plantee sử dụng các nguyên liệu dược liệu như trầu không, tinh bột nghệ, muối than cà dentie... có tác dụng sát khuẩn răng miệng, chống sâu răng, hôi miệng, bảo vệ răng chắc khỏe để thay thế cho các thành phần hóa chất. Các thành phần trong kem đánh răng an toàn đến mức có thể nuốt được.

Sản phẩm Plantee hiện đang được nhiều chị em tin dùng. Sắp tới, để mở rộng thị trường ra các tỉnh bạn, Xuân Thảo đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu sản phẩm và xây dựng điểm bán hàng offline để giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

Khởi nghiệp với sản phẩm tảo xoắn Spirulina

Trong một lần đi học hỏi các mô hình kinh tế ở tỉnh Nghệ An, nhận thấy nguồn nước biển ở địa phương có nhiều điều kiện để nuôi tảo xoắn Spirulina, chàng trai trẻ Đỗ Biên Nhất, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) đã hợp sức cùng một nhóm bạn tại địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường, với 7 thành viên, quyết tâm khởi nghiệp mô hình này.

Sản phẩm từ tảo xoắn Spirulina của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường.

Để được hỗ trợ về khoa học công nghệ, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường đã liên kết với Khoa Hóa - Sinh, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thực hiện dự án “Nuôi và phát triển sản phẩm từ vi tảo xoắn Spirulina”. Nhằm tạo ra nguồn tảo được nuôi trồng, sản xuất khép kín trong hệ thống nhà màng đạt tiêu chuẩn, HTX đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất và nuôi trồng, với các thiết bị được đầu tư gồm: Hệ thống lọc nước, máy pha môi trường, máy tạo dòng, máy thu tảo, máy quay li tâm, máy tạo khí ozon, máy ép sợi, máy sấy lạnh. Qua đó, HTX nâng cao được năng lực sản xuất và lợi thế cạnh tranh về công nghệ giống (làm chủ và cải tiến chủng giống), phát triển công nghệ nhân nuôi sinh khối tảo, đa dạng hóa sản phẩm.

Loại tảo xoắn này được xem là loại chất lượng, giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Hiện các sản phẩm của dự án được đưa ra thị trường đa dạng, gồm tảo thô (bao gồm tảo tươi và tảo khô), tảo thành phẩm sau khi chế biến thành các sản phẩm như viên nhộng, thạch, trà, cốm, bột, bánh quy... mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn, phù hợp với nhiều độ tuổi sử dụng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG