Petrovietnam muốn giữ nguyên 75,56% vốn điều lệ tại PVCFC

Theo công bố thông tin của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí à mau (PVCFC), theo đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giai đoạn 2021 - 2025 được Hội đồng thành viên Petrovietnam báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại văn bản số 2365/DKVN - HĐTV, Petrovietnam đã đề nghị Ủy ban nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án Petrovietnam giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ 75,56% vốn điều lệ tại PVCFC.

Cụ thể, phương án thoái vốn của tại PVCFC sẽ được xác định sau khi Đề án tái cơ cấu Petrovietnam giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỷ lệ nắm giữ của PVN tại PVCFC thực hiện theo đề án cơ cấu lại PVN được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt này, PVCFC tiếp tục nghiên cứu tăng quy mô vốn điều lệ để phù hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu và quy mô phát triển của PVCFC; tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện thành công lộ trình thoái bớt phần vốn nhà nước theo đề án tái cấu trúc được phê duyệt cho giai đoạn sau 2025.

Trong kế hoạch thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, PVCFC sẽ thành lập Ban dự án sản phẩm mới & Giải pháp Dịch vụ nông nghiệp nhằm triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng chiến lược của Công ty về đa dạng hóa sản phẩm.

Công ty tập trung vào phát triển lĩnh vực phân bón mới có chất lượng cao phù hợp xu hướng công nghệ mới, thân thiện môi trường; cung cấp bộ giải pháp canh tác cây trồng theo hướng chuỗi giá trị nông nghiệp để tạo thêm các giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đảm bảo tính thống nhất về mục tiêu đầu ra của R&D (Trung tâm Nghiên cứu phát triển) đáp ứng chiến lược đầu vào của Marketing (Ban Marketing), mục tiêu đầu ra của Marketing đáp ứng chiến lược đầu vào của kinh doanh và mục tiêu đầu ra của kinh doanh là nhu cầu cho chiến lược đầu vào của R&D.

PVCFC cũng sẽ thành lập Chi nhánh Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Nhà máy Đạm Cà Mau. Sau khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động theo mô hình Chi nhánh, tiến hành sắp xếp lại Bộ máy điều hành (các Đơn vị chức năng tham mưu, giúp việc) theo hướng tinh gọn, sáp nhập các bộ phận có cùng nhóm chức năng, nhiệm vụ và bổ sung, thành lập các bộ phận/Đơn vị mới để thực hiện chức năng nhiệm vụ.

Các bộ phận sẽ được sắp xếp theo hướng chuyển bộ máy hiện hữu của Nhà máy Đạm Cà Mau sang Chi nhánh Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Nhà máy Đạm Cà Mau.

Với Dự án CO2 thực phẩm, sau khi dự án hoàn hoàn thành và đưa vào hoạt động, giai đoạn đầu sẽ bố trí như một cụm công nghệ, trực thuộc Xưởng Phụ trợ. Khi đủ điều kiện sẽ tách ra thành 1 phân xưởng sản xuất trên cơ sở kết hợp với dự án sản xuất khí công nghiệp Argon/Nitrgen/Oxygen.

Tại Dự án sản xuất khí công nghiệp Argon/Nitrgen/Oxygen, sau khi dự án hoàn hoàn thành và đưa vào hoạt động, giai đoạn đầu sẽ bố trí như một cụm công nghệ, trực thuộc Xưởng Phụ trợ. Khi đủ điều kiện sẽ tách ra thành 1 phân xưởng sản xuất trên cơ sở kết hợp với dự án sản xuất CO2 thực phẩm.

Với Dự án sản xuất Hydro xanh (Green Hydro) có kế hoạch đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 nên lực lượng vận hành sẽ sử dụng nhân sự của Nhà máy Đạm Cà Mau nên chưa phát sinh nhân sự mới.

PVCFC cũng có kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV để vận hành nhà máy NPK sau khi Công ty hoàn thành công tác M&A. Theo kế hoạch, PVCFC sẽ tiếp nhận toàn bộ hiện trạng nhân sự và chỉ bổ sung nhân sự chủ chốt được điều động từ PVCFC (bao gồm Người đại diện pháp luật và Kế toán trưởng). Tổng số nhân sự tiếp nhận là 100 nhân sự.

Nội dung trên sẽ được xem xét thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của PVCFC dự kiến tổ chức vào ngày 10/01/2024 tại TP Cà Mau. Bên cạnh nội dung khác của cuộc họp dự kiến như: bầu thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT); sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của HĐQT; sửa đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp…

Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày đăng ký cuối cùng 23/11/2023. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và bỏ phiếu điện tử.

Hoàng Minh