Phố tre giữa lòng khu phố cổ Hà Nội

Phố Hàng Vải dài 236m, rộng 6m. Từ phố Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng, cắt ngang ngã tư Hàng Đồng - Bát Sứ và phố Hàng Gà, ở phía Tây khu phố cổ Hà Nội.

Phố Hàng Vải nguyên là địa phận của thôn Đông Thành (đoạn phía đông từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà) và thôn Tân Khai (đoạn còn lại). Cả hai thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Ngày xưa phố Hàng Vải gồm hai đoạn phố có tên khác nhau. Đoạn phía đông có tên Hàng Vải Thâm, là nơi bán vải, phần lớn là vải nhuộm nâu và nhuộm thâm. Đoạn phía Tây thì có một số nhà bán cuốc nên có tên là phố Hàng Cuốc. Sau đó hai phố được nhập lại thành phố Hàng Vải.

Thời Pháp thuộc phố có tên là Rue des Etoffes. Từ sau 1945, tên Hàng Vải được đặt chính thức cho phố này.

Phố Hàng Vải hiện nay không còn sinh hoạt phường hội kiểu ngày xưa nữa; trong phố không có nhà nào bán vải, nhưng nét phố, khung cảnh phố vẫn được gìn giữ.

Trong phố không có nhà nào bán vải, nhưng nét phố, khung cảnh phố vẫn được gìn giữ.

Theo đổi thay của thời cuộc, mặt hàng vải dần biến mất khỏi phố Hàng Vải và ngày nay không còn dấu tích gì ngoài tên phố. Từ thập niên 1990, nhiều hộ trên phố chuyển sang chuyên kinh doanh mặt hàng tre.

Trên con phố hàng Vải dài gần 240 mét này, có khoảng chục cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ tre.

Hầu hết là những gia đình có nghề truyền thống từ thời các cụ để lại.

Những hàng tre hai bên phố được xếp ngay ngắn, cao vút, nối tiếp nhau trên phố Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tạo thành một con phố tre giữa lòng khu phố cổ.

Mặt hàng tre trên phố ngày càng được phát triển đa dạng và phong phú, từ tre trong kiến trúc, xây dựng, cho tới tre trong nội thất, sinh hoạt hàng ngày đều được gia công, thiết kế tại đây.