Rào mới ngáng đường Mỹ - Trung thân thiện

Côngtenơ Trung Quốc nhập hàng Mỹ tại cảng Los Angeles. Ảnh: AFP.

Bộ quy tắc hướng dẫn mua sắm công có từ tháng 5 yêu cầu các đơn vị nhà nước, trải rộng hầu khắp các lĩnh vực, phải mua hàng hóa 100% được sản xuất trong nước hiển nhiên đã dựng lên các hàng rào kỹ thuật mới nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài, theo một nguồn tin của Reuters hôm 3/8.

Được mô tả là Tài liệu 551, đề ngày 14/5 và do liên Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin soạn thảo dưới tiêu đề "Điều chỉnh hướng dẫn mua sắm chính phủ về hàng hóa nhập khẩu", một quan chức liên bang Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết một bản sao văn bản này dày 70 trang, không được công bố rộng rãi. Reuters chỉ được cho xem một phần tập tài liệu như một cách chứng thực sự tồn tại của nó.

Theo quan chức liên bang trên, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nước này đã cam kết không bao giờ ban hành một văn bản có nội dung tương tự. Không những thế, tài liệu còn vi phạm thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà Trung Quốc đã ký với Mỹ hồi tháng 1/2020. Tinh thần của thỏa thuận Mỹ - Trung là "giảm hàng rào, không tạo thêm cái mới".

Vẫn theo những gì được tiết lộ cho Reuters, Tài liệu 551 đã được gửi đến các bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, yêu cầu chi tiết với từng hạng mục trong 315 mặt hàng được liệt kê, đi kèm tỷ lệ cụ thể về hàm lượng sản xuất trong nước từ 25% đến 100%. Trong số này có thiết bị y tế, thiết bị do thám mặt đất, máy móc kiểm tra thử nghiệm, thiết bị quang học, thiết bị trong ngành chăn nuôi, dụng cụ đo đạc địa chấn, hàng loạt thiết bị trong ngày hàng hải, địa lý, vật lý.

Như vậy là danh mục hướng dẫn mới tác động đến nhiều mặt hàng, trong đó có phần thiết bị y tế rất được Mỹ chú trọng. Theo thỏa thuận giữa 2 nước đầu năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua nhóm hàng này, ví dụ như thiết bị chụp cộng hưởng từ vốn mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Mỹ. Nay thì thiết bị chụp cộng hưởng từ sẽ hết đường vào danh mục mua sắm công bởi quy định 100% sản xuất trong nước.

Việc thực hiện các hướng dẫn mua sắm mới sẽ càng tạo thêm khó khăn cho cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ so với mức năm 2017. Hiện tại, tỷ lệ thực hiện của Trung Quốc mới đạt khoảng 60%, theo Chad Bown - thành viên Viện Kinh tế quốc tế Peterson.

Có độ vênh về khái niệm hay cách diễn giải, hoặc bị bỏ sót hoặc tạm gác lại trong thỏa thuận Giai đoạn 1. Mỹ cũng áp dụng chính sách "Mua hàng Mỹ" nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, nhưng hạng mục được công bố công khai khác với ở Trung Quốc. Đồng thời doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc bao gồm hệ thống rộng lớn các bệnh viện, cơ sở giáo dục nên tác động (lên nguồn hàng nhập khẩu) sẽ lớn hơn nhiều.

Một số nghị sĩ và nghiệp đoàn công nghiệp Mỹ gần đây liên tiếng nhiều về tính minh bạch trong thực thi các quy định thương mại của Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 124 tỷ USD hàng hóa Hoa Kỳ, trong số đó chiếm tỷ lệ lớn thực hiện qua kênh mua sắm chính phủ hoặc lĩnh vực tư nhân có bảo lãnh chính phủ, thuộc các ngành giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, năng lượng.

Tính riêng mảng thiết bị y tế, 3 doanh nghiệp hàng đầu là Johnson & Johnson, GE và Abbott có tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 47,5 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc góp 4,5 tỷ USD, theo số liệu do công ty Dịch vụ giải pháp Fitch cung cấp. Các số liệu tương tự thu thập được trong năm 2018 và 2019 giảm mạnh do "thương chiến", nhưng từ khi thực hiện thỏa thuận Giai đoạn 1 đã tăng trở lại.

Doug Barry, phát ngôn viên Hội đồng Thương mại Mỹ - Trung Quốc cho hay, họ đã phong thanh nghe đến Tài liệu 551, nhưng chưa tiếp cận được bản sao làm bằng nào. Các thành viên Hội đồng ở văn phòng Trung Quốc đã báo cáo về những trở ngại trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị thử nghiệm, xét nghiệm và thiết bị ngành giao thông. Barry nói thêm là Hội đồng đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá lại kết quả thực hiện thỏa thuận Giai đoạn 1 và cân nhắc đưa vấn đề ra cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng diễn ra trong tháng 10 tới.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ từ chối nhận xét về thông tin của Reuters. Cùng quan điểm, một nhân viên Quốc hội Mỹ đã được báo cáo về Tài liệu 551 nói rằng, "họ chưa công bố nó, nó chưa phải là văn bản chính thức, nên Trung Quốc sẽ dễ dàng phủ nhận".

Thục An