Thế mạnh công nghệ Mỹ không còn nếu chiến tranh với Nga

Theo Rebecca Koffler, khả năng xảy ra chiến tranh với Nga không còn có thể được gọi là giả thuyết nữa, tuy nhiên chính phủ và quân đội Mỹ chưa sẵn sàng cho điều đó.

Sĩ quan Mỹ cho rằng, thế mạnh của Nga trong cuộc đối đầu với Mỹ có thể xảy ra cũng đã được khẳng định trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga Putin: "Các nước phương Tây hiểu rõ mất mát của họ trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba".

Hải quân Nga.

"Sự tự tin của nhà lãnh đạo Nga bắt nguồn từ niềm tin của Moskva rằng họ có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến với Washington theo các điều kiện của riêng họ", sĩ quan Mỹ nhận định.

Nga tập trung chú ý đến thực tế, Mỹ đang đặt cược vào việc sử dụng công nghệ ngay cả với những đối thủ được trang bị vũ khí kém như các chiến binh ở Afghanistan và Iraq. Về vấn đề này, Điện Kremlin đã chọn chiến trường giao tranh là không gian mạng và lĩnh vực vũ trụ.

Tuy nhiên theo Koffler, những thế mạnh về vũ khí công nghệ cao của Mỹ sẽ không còn bởi các vệ tinh của Mỹ không có khả năng tự vệ và không loại trừ khả năng Nga đánh trúng hệ thống phòng thủ trên quỹ đạo của Mỹ.

Cùng với đó, Koffler nhấn mạnh rằng: hiện nay khu vực Biển Đen vẫn là một trong những điểm nóng có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO, trong đó Mỹ cũng sẽ bị lôi cuốn tham gia.

Cựu sĩ quan tình báo kết luận: việc Tổng thống Vladimir Putin tự tin rằng Washington không biết cách đối đầu với Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn hơn.

Cùng với nhận định của Koffler, chuyên gia quân sự Mỹ Mark Episkopos cũng cho rằng, nếu xảy ra một cuộc đối đầu tại Biển Đen với Nga, NATO sẽ thất bại bởi những lợi thế mà Moscow đang có.

Theo chuyên gia Mỹ, việc Nga không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đen sau khi sáp nhập Crimea khiến NATO không có cơ hội giành chiến thắng nếu xảy ra xung đột. Cùng với việc đưa ra nhận định của mình, vị chuyên gia Mỹ đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Putin đưa ra trước đó.

Ông chủ Điện Kremlin cho rằng, chiến tranh thế giới thứ ba sẽ không bắt đầu ngay cả khi các tàu Nga đã bắn chìm tàu khu trục Defender của Anh khi cố tình xâm nhập lãnh hải Nga. Và phương Tây hiểu rõ sự mất mát có chủ ý của mình trong cuộc chiến này.

Do đó, Ukraine cùng một số quốc gia phương Tây đang thực hiện những bước đi mang tính tượng trưng nhằm khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev như tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới Nga trên Biển Đen. Loạt động thái này đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Nga và gọi đây là hành động khiêu khích.

Sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga liên tiếp nâng cấp và trang bị vũ khí mới nhằm tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen, trong đó có hàng loạt khinh hạm, khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, tăng cường tàu ngầm Đề án 636 Varshavyanka...

Một vấn đề đau đầu khác với NATO là Nga đã triển khai đến các đơn vị phụ trách khu vực Biển Đen tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Dagger, sắp tới cả Zircon, những vũ khí nằm ngoài khả năng đánh chặn của tất cả hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO.

Theo chuyên gia Mỹ, trong một cuộc chiến với Nga tại Biển Đen, Mỹ và NATO không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên trong khu vực.

"Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên NATO đã liên tục cản trở việc đạt được các mục tiêu an ninh của liên minh bằng cách tìm kiếm các mối quan hệ quân sự và kinh tế với Nga.

Trong khi đó, Ukraine, Romania và Gruzia có thể và gần như chắc chắn sẽ cung cấp đường đi biển cho quân đội Mỹ, nhưng họ thiếu nghiêm trọng vũ khí và trang thiết bị quân sự đủ mới và mạnh để đối đầu với Nga.

Đặc biệt, ngoài sức mạnh tấn công khủng khiếp của mình, Nga còn đang nắm lợi thế lớn trước Mỹ và NATO tại Biển Đen đó là địa lý. Để có được vũ khí đối đầu với Nga, Mỹ và NATO phải vận chuyển từ cả ngàn km, trong khi đó Nga đang sẵn có tại trận địa", chuyên gia Mỹ viết.

Chính vì vậy, ông kết luận, Nga đang có tất cả những lợi thế về vũ khí, địa lý để thực hiện một cuộc chiến hiệu quả chống lại Mỹ và NATO ở Biển Đen.

Thanh Hà