Trở lại Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử (1): Chuyến đi cuối cùng của đời người

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, những ngả đường tới Điện Biên dù là từ Lai Châu sang hay Sơn La đến đều tấp nập xe cộ ngược xuôi. Cả lòng chảo Điện Biên Phủ với những địa danh như Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, đồi A1, Mường Thanh, Mường Phăng… như sống lại những ngày tháng hào hùng của 70 năm về trước.

Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của ta tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries

Càng gần đại lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5, dòng người đổ về chiến trường xưa càng đông. Giữa những nụ cười chiến thắng còn có cả những giọt nước mắt của những cựu binh - những người mà 70 năm trước mới chỉ đôi mươi, mười tám, nhưng nay đều đã bước qua tuổi 90. Chuyến đi trở về chiến trường xưa của họ còn “gian khó” hơn cả cuộc hành quân lên Điện Biên năm nào bởi sức khỏe đã không còn cho phép. Trong dòng người ấy còn có cả những cựu binh chống Mỹ, những cựu binh của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, cùng rất nhiều thanh niên trẻ. Trở về Điện Biên những ngày này là để tự hào, để trân trọng lịch sử, để noi gương truyền thống và xây dựng đất nước hôm nay vững vàng hơn.

Hôm qua và hôm nay

Trong dòng người đến thăm di tích đồi A1 sáng hôm đó ở ành phố Điện Biên Phủ, tôi đã gặp ông Lê Huy Chiêu - một trinh sát đặc công từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay là ngày đầu tiên đoàn cựu chiến binh của huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) lên tới Điện Biên và bắt đầu cho chuyến về nguồn - về lại nơi chiến trường xưa. Ông Chiêu kể, được chạm tay vào từng di tích ở Điện Biên không chỉ là niềm mong mỏi của cá nhân ông mà còn là của rất nhiều đồng đội cùng trang lứa ở Thuận Thành. “Bộ đội ở thời nào thì cũng vất vả, nhưng trong chiến đấu thì gian nan ấy không thể kể hết thành lời. Chúng tôi đã ra trận, đã đối mặt với quân thù, giữa lằn ranh của hòn tên mũi đạn thì không thể nói được bất cứ điều gì về tương lai cả.

Lúc đó những người lính chỉ ý thức một điều, chúng ta là ai, chúng ta đang làm gì, chúng ta bảo vệ điều thiêng liêng gì. Chỉ thế thôi, không so đo lẽ thiệt hơn. Tất cả mọi chuyện đều gạt đi, ra trận đã, mọi thứ còn lại… để mai tính” - ông Lê Huy Chiêu trải lòng. Rồi ông lại trầm ngâm: “Chúng tôi là lớp cầm súng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cha ông chúng tôi kháng chiến chống thực dân Pháp còn gian khổ, thiếu thốn và vất vả hơn nhiều. Vì thế, hôm nay được tới thăm những địa danh lịch sử này, trong lòng tôi chỉ biết nói rằng, thương lắm, quý lắm, trân trọng lắm. Có những mất mát không thể diễn tả bằng lời. Những nỗi đau khi chứng kiến đồng chí, đồng đội hy sinh ngay trước mặt… dẫu có bao ngày tháng cũng không vơi đi được. Cho nên, trong không khí hào hùng ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, nhắc lại lịch sử để tự hào, chứ không phải đề kiêu ngạo, giá trị lịch sử cần phải được tuyên truyền đúng và đủ” - ông Lê Huy Chiêu nói.

Cũng theo ông Lê Huy Chiêu, những bài học lịch sử và cách đánh địch ở Điện Biên từ năm 1954 tiếp tục được phát huy ở những trận đánh sau này trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Ví dụ như cách đánh “lấn dũi” vẫn phát huy được hiệu quả trên mọi chiến trường, trong tình thế hỏa lực của mình yếu…

Những chiến sĩ Điện Biên trở lại thăm chiến trường xưa

Cuộc hội ngộ ở tuổi “xưa nay hiếm”

Cũng ở Điện Biên những ngày này, nhiều cuộc hội ngộ đã diễn ra. Đặc biệt nhất, xúc động nhất phải kể đến cuộc gặp gỡ của hơn 100 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ 6 tỉnh/thành: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội… 70 năm trước, những con người này đều mới chỉ mười tám, đôi mươi, nay người trẻ nhất cũng đã chạm ngưỡng 90 tuổi. Có người trong nhiều năm qua trở đi trở lại Điện Biên, nhưng cũng có người đây là lần đầu tiên sau 70 năm.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân (đoàn cựu chiến binh Hà Nội) đi đến từng ngôi mộ để thắp hương và khấn nhỏ “Chào các đồng chí! Tôi trở về thăm các đồng chí đây!”

Có cụ hài hước ví von rằng, chuyến trở lại chiến trường này còn gian nan hơn cả hồi thanh niên kéo pháo vào trận địa. Những thanh niên “bẻ gãy sừng trâu” năm nào giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm, sức đã yếu. Đường xa, vất vả, khí hậu Điện Biên mùa này oi nóng, nhưng nào có xá gì, chuyến đi này là một lần “thỏa nỗi ước mong” và có thể đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của đời người. Ban tổ chức cho chuyến đi cho biết, riêng tỉnh Sơn La ban đầu dự kiến hơn 40 cụ, nhưng sát ngày lên đường chỉ có 28 cụ đủ điều kiện sức khỏe, một số cụ cao huyết áp nên không thể thực hiện chuyến đi được.

Chiến sĩ Điện Biên Mùi Văn Sẹng (đoàn cựu chiến binh Sơn La, năm nay đã 98 tuổi) bảo, đi đường xa cũng hơi mệt một chút, nhưng tinh thần thì phấn chấn lắm. Cứ nghĩ mình sắp được tự tay thắp nén hương cho các đồng đội đã hy sinh lại không thấy mệt nữa. Trong lễ dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ năm nào, người lính Điện Biên Lê Văn Nhân (đoàn cựu chiến binh Hà Nội) rưng rưng nước mắt đi đến từng ngôi mộ để thắp hương và khấn nhỏ: “Chào các đồng chí! Tôi trở về thăm các đồng chí đây”. Ông nói: “Tôi nhớ những đồng đội đã sát cánh chiến đấu với tôi trên chiến trường năm ấy. Tôi thương những người đã nằm lại mảnh đất này để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Các đồng chí hãy an nghỉ, những người ở lại và thế hệ sau đã, đang và sẽ chịu trách nhiệm gánh vác những việc còn dang dở”.

Những người lính năm xưa tuổi mới đôi mươi, nay đều đã ngoài 90 tuổi

Mãn nguyện là từ mà hầu hết những người lính, dù ở thời kỳ chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ đều dùng để miêu tả về tâm trạng của mình trong lần trở lại chiến trường xưa. Lý do của hành trình này đôi khi chỉ là “được tận tay thắp hương cho những đồng đội chưa biết tên vẫn đang nằm dưới mộ”.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” diễn ra tại Điện Biên ngày 11-4-2024

(Còn tiếp)