Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt - Việc cần làm ngay - Bài 3: Áp lực hàng giả, hàng nhái

Giải khó với nạn hàng giả

Không chỉ bị khó về hình thức, năng lực tiếp thị thị trường, hàng Việt còn có nguy cơ bị loại khỏi thị trường do bị làm giả. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), liên hệ câu chuyện sữa Ông Thọ của . Đây là dòng sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, ngay khi gia nhập thị trường này, công ty phát hiện có sản phẩm với thương hiệu rất giống với mình. Điều đáng nói là số lượng hàng nhái nhãn mác sữa Ông Thọ của Vinamilk được sản xuất tại một nhà máy có quy mô rất lớn, cung ứng lượng sản phẩm ở phạm vi rất nhiều và rộng trên thị trường.

Để có thể xử lý được trường hợp này, công ty phải thông qua một đối tác kinh doanh tin cậy tại Trung Quốc, phối hợp cơ quan chức năng nước này điều tra, thu thập chứng cứ, làm việc và đi đến xử lý dứt điểm tình trạng nhái thương hiệu. Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp rất kiên trì thực hiện.

Không chỉ bị làm giả mà hàng giả còn cạnh tranh ngược lại, gây nhiều tổn hại cả về niềm tin khách hàng và giảm doanh thu doanh nghiệp chân chính. Trường hợp sản phẩm trái cây sấy khô của Vinamit là một điển hình. Sản phẩm của công ty ngay khi được người tiêu dùng ưa chuộng, đã bị nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tung ra sản phẩm giả mạo - không những bày bán tại Trung Quốc mà còn xuất ngược vào thị trường Việt Nam với giá thấp hơn. Vinamit đã khởi kiện về đánh cắp bản quyền thương hiệu và thắng kiện ở Trung Quốc.

Những tưởng sau vụ kiện này, sản phẩm của công ty sẽ được bảo vệ và ngăn chặn tình trạng bị làm giả. Thế nhưng, đến nay tình hình hàng giả, hàng nhái mẫu mã kiểu dáng vẫn không được khắc phục triệt để. Doanh thu của công ty cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

Hoạt động sản xuất thời trang tại Công ty Dệt may Kim Dung (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý gần 53.000/72.000 vụ kiểm tra, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đơn vị cũng đã chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự, tăng 35% so với năm 2022. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Chuẩn chất lượng, pháp lý

Theo các chuyên gia để hàng Việt có thể đứng chân trên thị trường nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình, trước hết, doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất đạt chuẩn toàn cầu. Kế đến, có chiến lược phát triển thương hiệu và thương hiệu sản phẩm phải có chỗ đứng vững, tin cậy tại thị trường nội địa trước khi gia nhập vào thị trường quốc tế.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên có chiến lược đầu tư về mặt pháp lý cho quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo hộ thương hiệu, thậm chí phải có giải pháp đủ mạnh và toàn diện để tự bảo vệ thương hiệu của chính mình.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh, trên thực tế, nhiều sản phẩm Việt dù mang trên mình những chỉ dẫn địa lý Việt Nam nhưng bị làm giả hoặc được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thuộc doanh nghiệp nước ngoài không phải là hiếm.

Đơn cử như nước mắm Phú Quốc, cà phê Nguyên, thanh long Bình Thuận, gạo ST25… Việc theo đuổi, xử lý lấy lại quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm Việt không dễ, thậm chí là không thể được. Đây là bài học đau xót cho rất nhiều thương hiệu Việt thời gian qua.

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế , chia sẻ thêm, nếu nhìn ở góc độ tích cực, hàng Việt có chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng thì mới bị làm giả. Do vậy, cùng với việc chung tay với cơ quan chức năng liên quan, bản thân doanh nghiệp nên liên tục đầu tư, đổi mới bao bì sản phẩm kết hợp với việc gia tăng chiến lược tiếp thị, thông tin nhận diện sản phẩm trên thị trường. Duy trì biện pháp này thường xuyên cũng là một cách hiệu quả để loại bỏ hàng giả khỏi thị trường.

Riêng với vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, doanh nghiệp nên chủ động hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình. Nhiều ý kiến chung của các doanh nghiệp cho rằng, phải xây dựng hành lang pháp lý an toàn để bảo vệ thương hiệu của mình tại thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu mà mình hướng tới. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bao bì, nhãn mác… cho sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Sau đó, nếu xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, nhất là Trung Quốc, phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bao bì, nhãn mác… cho sản phẩm của mình tại những quốc gia này. “Chi phí để thực hiện đăng ký pháp lý này hiện không nhiều, khoảng vài ngàn USD. Tuy nhiên, nếu so với chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để theo đuổi, phát hiện và xử lý sản phẩm bị làm giả thì rất nhỏ”, ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, cho rằng, nếu chỉ mỗi doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình thì chưa đủ. Cần thiết phải có sự tham gia tích cực từ phía cơ quan chức năng trong việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra và mạnh tay xử phạt những cá nhân, tổ chức có hành vi xâm hại thương hiệu Việt chân chính.

ÁI VÂN