Gieo mầm yêu thương ngày xuân

Những chương trình từ thiện trước thềm năm mới rất đa dạng về quy mô, tính chất, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau... song đều chung mục đích: đem niềm vui đến cho những ai có hoàn cảnh khó khăn.

"Ai cũng có ết"

Phổ biến và dễ tham gia là những hoạt động do một người, nhóm bạn, nhóm thành viên trong các câu lạc bộ, diễn đàn trên mạng xã hội... cùng nhau phát động, tích lũy kinh phí rồi "liệu cơm gắp mắm" triển khai. Bài bản hơn là chương trình từ thiện do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, hội đồng hương... tổ chức.

Nhiều năm nay, chị Quỳnh My (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cùng bạn bè đã duy trì việc lì xì Tết cho những người vô gia cư. "Của cho không bằng cách cho", những tờ tiền mới phẳng phiu được đặt vào từng chiếc phong bao đẹp mắt, trao tận tay từng cụ già, em bé, người khuyết tật... Số tiền có thể không quá nhiều so với các hoạt động quy mô lớn nhưng chứa đựng tấm lòng của những người trẻ muốn làm điều gì đó thiết thực cho cộng đồng.

Chị Như Mây (huyện Bình Chánh, TP HCM) thì cố gắng thu xếp công việc bận rộn ngày cận Tết thật chu toàn để hăng hái đăng ký tham gia hoạt động tặng quà cho người nghèo. Đây là ý tưởng khởi xướng từ một nam ca sĩ nổi tiếng, được cộng đồng người hâm mộ của anh hưởng ứng nhiệt tình với tâm nguyện cùng nhau trao yêu thương cho những người kém may mắn hơn.

Dù mang tính cá nhân hay được thực hiện chuyên nghiệp thì đó đều là những việc làm kịp thời, thiết thực, chung tay góp phần để "ai cũng có Tết", bớt đi những nhọc nhằn, khốn khó thường nhật.

Hoài Xuân (trái) và Thanh Châu chọn việc hướng về cộng đồng trong dịp Tết

Lan tỏa việc tốt

Trong tâm niệm của người Việt, xuân là mùa của sự khởi đầu, của bao ước ao, hy vọng cho cả năm. Nhiều người chọn thời điểm này để trải nghiệm những điều mới mẻ chưa từng làm, trong đó có cả việc gieo những hạt mầm ngọt lành của tinh thần chia sẻ.

Thái Thụy Quỳnh Anh (nhân viên Công ty Saigonbooks) vừa quyết định đón Tết với mái tóc ngắn, không phải vì lý do làm mới hình ảnh bản thân mà bởi cô vừa đi hiến tóc lần đầu trong đời. Từ mùa xuân trước, Quỳnh Anh đã nuôi ý định này nhưng tóc chưa đủ dài. Cô miệt mài dưỡng tóc suốt cả năm qua, không dám nhuộm hay tác động bất kỳ hóa chất tạo kiểu gì để đạt các tiêu chuẩn cần thiết.

"Tôi mong sự đóng góp nhỏ nhoi của mình phần nào giúp bệnh nhân ung thư gạt bỏ tự ti và thêm lạc quan khi có mái tóc mới" - Quỳnh Anh tâm sự.

Nguyễn Anh Kiệt (quê Đà Nẵng) thì đã lên kế hoạch đi hiến máu ngay trước thềm xuân. Lần hiến máu đầu tiên của Kiệt là ngay tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, nơi tân sinh viên này đang theo học. Sau khi hiến máu, Kiệt không thấy gì bất thường mà thể trạng còn có phần nâng cao. Thời gian qua, bạn trẻ gen Z này càng chú ý giữ gìn sức khỏe để chờ đợi lần hiến máu nhân đạo tiếp theo.

Hai sinh viên cùng trường với Kiệt là Nguyễn Dương Hoài Xuân và Nguyễn Thị Thanh Châu cũng khép lại năm cũ, đón chào năm mới bằng việc làm ý nghĩa: lần đầu đi hiến máu. Chắc hẳn sẽ còn nhiều lần tiếp theo mà các sinh viên này trao tặng những giọt máu đào quý giá cho những bệnh nhân đang cần.

"Việc tốt cần được lan tỏa, góp sức" - Hoài Xuân bày tỏ. Không đi hiến máu một mình, cô còn cẩn thận tìm hiểu kỹ thông tin và rủ thêm các bạn đồng môn đáp ứng đủ điều kiện cùng tham gia. Xuân thổ lộ: "Em thật sự hạnh phúc khi có thể giúp đỡ người khác. Nhận thức về tình người, sự gắn kết và sẵn lòng chung tay cho hoạt động thiện nguyện càng trở nên sâu sắc hơn với em và bạn bè".

Xuân tin rằng mỗi người sống trong xã hội đều có thể làm điều gì đó vì cái chung. Cô đặt mục tiêu bên cạnh việc tích lũy thêm nhiều giá trị tri thức bổ ích, nâng cao kỹ năng mềm thì phải tích cực tham gia các hoạt động có ích trong năm mới.

Với Thanh Châu, chính mẹ là người truyền cảm hứng để cô có ý thức rèn luyện, học cách sẻ chia, biết quan tâm, hỗ trợ những người yếu thế. Lần đầu hiến máu, Châu hơi chóng mặt và được các nhân viên y tế, tình nguyện viên chăm sóc tận tình. Cô không cảm thấy quá sợ hãi, lo lắng mà giờ đây còn có thêm động lực hoàn thiện bản thân, tạo nền tảng vững chắc về thể chất và tinh thần để càng tự tin góp sức trẻ vào các dự án giàu tính nhân văn khác.

Năm vừa qua là cột mốc chuyển tiếp từ bậc phổ thông lên đại học với biết bao nhiêu đổi thay, bỡ ngỡ. Thanh Châu đã có những ngày tháng học tập căng thẳng, vượt qua cột mốc đáng nhớ trong đời ấy. Năm mới, cô sẽ tiếp tục nỗ lực ghi thêm những dấu ấn trong bức tranh tuổi đôi mươi của mình, không chỉ với thành tích học tập mà còn ở những việc làm hướng tới cộng đồng.

Bài và ảnh: Hồ Bảo Ngọc