Tác giả trẻ Trương Công Tưởng: Trân trọng cảm xúc

- Tập thơ mới “Đợi những vắng xa” được viết theo thể tự do, theo anh, thể thơ tự do có thế mạnh và hạn chế gì?

- Mỗi thể thơ đều có cái hay riêng của nó và mang tính lịch sử ở mỗi thời điểm phát triển của thi ca. Ở thời điểm này, thơ tự do đang là xu thế và được các nhà thơ sử dụng khá phổ biến khi viết, và cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong đổi mới nền thi ca đương đại Việt Nam.

Cách thể hiện của thơ tự do mang tính phóng khoáng, linh hoạt, không bị ràng buộc bởi niêm luật, có thể tạo ra nhiều tứ thơ, hình ảnh thơ lạ, hay tùy theo khả năng người viết, câu chữ dễ thoát ý, gần gũi, thể hiện được nhiều góc cạnh đa chiều, phong phú hơn về các vấn đề của đời sống. Vì vậy, người viết dễ dàng thể hiện được cảm xúc, nội dung muốn chuyển tải và cá tính của mình.

Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người viết sa đà vào diễn giải, cố tình làm lạ hóa, trưng trổ kỹ thuật, phô trương ý tứ hay cả khoe kiến thức, đưa nhiều dẫn cứ tư liệu vào tác phẩm như lịch sử, sự kiện làm câu thơ khô cứng, mất nhịp điệu, mất tính thơ hoặc diễn tả lan man làm câu thơ, bài thơ là những đoạn văn dài dòng gây cho độc giả sự khó chịu, không bắt được nhịp dẫn đến khó hiểu khi tiếp nhận. Mà thơ thì luôn đòi hỏi tính hàm súc, cô đọng và phải tạo được thi ảnh.

- Trong thơ anh chưa có nhiều các đề tài liên quan đến các sự kiện lớn của đất nước, chẳng hạn như đại dịch Covid-19. Nhiều người đang nói đến trách nhiệm công dân của giới cầm bút. Vậy trách nhiệm của anh với thời cuộc thể hiện thế nào?

- Chưa có nhiều, chưa viết không có nghĩa là thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Nhìn vào lịch sử, trách nhiệm công dân đã thể hiện rất rõ nét trong thơ ca kháng chiến chống đế quốc Mỹ với những tên tuổi đã được ghi nhận trong nền văn học nước nhà, thời cuộc sẽ tạo nên những tác phẩm giá trị và có sức bật của riêng nó, chúng ta chưa tìm thấy tác phẩm mang tính thời đại cũng không có nghĩa là không có, chúng ta phải chờ.

Tôi thiết nghĩ, trách nhiệm công dân của giới cầm bút không phải chỉ là viết về những đề tài liên quan các sự kiện lớn, ca ngợi sự phát triển đổi thay của quê hương, đất nước, những điều đó báo chí làm rất tốt. Văn học khác báo chí ở chỗ, báo chí thì bám sát vào sự kiện, còn văn học thì mang tính khơi gợi và lắng sâu những gì còn lại theo thời gian. Bởi vậy, trách nhiệm công dân của người cầm bút trước hết là phải xác định viết nghiêm túc với chính bản thân mình, nghiêm túc với nghề viết, dù cho anh có chuyên nghiệp hay không.

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, ngoài những khó khăn của đất nước và của mỗi người dân đang trải qua. Tôi nghĩ cũng là dịp để chúng ta sống chậm, nhìn nhận lại chính mình, trân quý từng khoảnh khắc được ở bên gia đình, người thân.

- Nhưng trong nhiều bài thơ của anh có hình ảnh mẹ, vì sao thế?

- Ai trong mỗi chúng ta cũng có một người mẹ, có quê hương, xứ sở, cội nguồn. Hình ảnh người mẹ lúc nào cũng có chỗ đứng đặc biệt và làm thổn thức trái tim tôi, cũng là hình ảnh dễ nhận được sự đồng cảm và gây xúc động nhất với những ai trên đời này có mẹ.

Sau khi tập thơ đầu tay Ngồi gỡ tơ trời ra đời, có nhiều nhận định rằng thế mạnh của tôi là viết về phụ nữ, với hình ảnh những người bà, người mẹ, người chị, họ là những người đàn bà nhiều khao khát, ước mơ, day dứt, đợi chờ, nỗi đau vùi trong những niềm riêng câm nín. Mẹ tôi là một người đàn bà sống giản dị và trầm lặng, cả cuộc đời bà tảo tần nuôi một đàn con khôn lớn, quanh năm gắn với ruộng đồng và rất hiếm khi ra khỏi làng, thiên đường của bà là gian bếp nhỏ và mảnh vườn trồng nhiều rau quả. Người ta nói, con trai thì nhờ đức mẹ, tôi thấy trong tôi có chiều sâu của mẹ. Khi viết, tôi không chỉ viết cho mẹ mình mà viết cho những khắc khoải, vắng xa của những người mẹ, những người mang phận đàn bà bằng những quan sát và cảm thấu riêng của tôi.

Những bài thơ tôi viết có bóng dáng của những người mẹ rất nhiều nhưng để viết một bài thơ tặng riêng cho mẹ mình thì tôi chưa dám, vì cái bóng quá lớn của những nhà thơ trước khi đã thể hiện quá sâu sắc và xúc động, mỗi lần đặt bút tôi cứ bị khựng lại vì sợ mình chưa chín.

- Anh tự thấy, tập thơ này “đã khác” tập “Ngồi gỡ tơ trời” mà anh đã xuất bản cách đây vài năm?

- Khác chứ. Cái khác đầu tiên, “Ngồi gỡ tơ trời” là những bài thơ tôi viết những năm 20 tuổi, lúc ấy tôi viết bằng bản năng nhiều hơn. Còn “Đợi những vắng xa” được tôi viết trong hơn ba năm trở lại đây, có một số bài thì lâu hơn. Tôi nghĩ về cảm xúc và suy nghĩ sau này đã chín hơn, có chiều sâu hơn khi tôi đã trải qua nhiều va vấp và trải nghiệm của tuổi trẻ. Về kỹ thuật thì tôi thấy mình biết kiệm lời hơn, biết neo nén cảm xúc hơn trong từng câu chữ. Cái khác thứ hai là trong tập thơ trước, hình ảnh về chiến tranh chỉ phảng phất nhưng đến tập này tôi đưa hẳn hình ảnh chiến tranh và người lính vào trong tập thơ của mình, rõ nét nhất qua hai bài: Bầy mối trong rừng mưaTrong một buổi lễ kỷ niệm.

Còn nhiều điều khác nữa, nhưng tôi nghĩ nên để dành cho bạn đọc…Còn giống nhau thì khi viết, tôi luôn chân thật với cảm xúc của mình. Khi viết được một bài thơ, ít nhất tôi phải khóc đến ba lần. Lần đầu tiên là khi tôi trải nghiệm bằng đời sống với những va vấp, đớn đau. Lần thứ hai là khi tôi đưa nó lên trang giấy, tôi vừa viết vừa chảy nước mắt. Còn lần thứ ba là khi tôi đọc lại những con chữ của mình đã in vào thành tập, nó làm tôi bồi hồi nhớ lại những gì đã đi qua trong cuộc đời mình ở mỗi khoảnh khắc đọng lại của mỗi bài thơ. Bởi vậy khi in xong tập thơ này tôi thấy lòng mình trống vắng như vừa mất đi một điều gì đó không thể gọi tên.

Tôi muốn độc giả của mình không những đọc chữ mà phải đọc cả ở những khoảng trắng, bởi đó là những ngân vang còn đọng lại. Còn khi đóng tập thơ này mà trái tim bạn không thổn thức, không lưu luyến một điều gì, tôi coi như mình thất bại.

- Cảm ơn anh và chúc anh ngày càng thành công!

Văn Học (thực hiện)