Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Davos mùa hè

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Davos mùa hè diễn ra từ 25 - 27/6 tại Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Với chủ đề "Biên giới tiếp theo cho tăng trưởng" (Next Frontiers for Growth), Diễn đàn Kinh tế ế giới (WEF) được tổ chức từ ngày 25 đến 27/6 với sự tham gia của khoảng 1.600 khách mời quan trọng đến từ khu vực công và tư nhân của gần 80 quốc gia.

Hãng tin CNBC dẫn lời Thủ tướng Quốc trong bài phát biểu của mình cho biết tăng trưởng kinh tế của quốc gia này sẽ vẫn “ổn định” trong quý 2/2024.

Ông ý Cường cũng bày tỏ sự “tin tưởng” rằng Trung Quốc “có khả năng” đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5% trong năm nay.

Đối với câu hỏi từ người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab về chính sách kinh tế của Trung Quốc, ông Lý Cường cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm mục đích giữ cho nền kinh tế được khỏe mạnh”.

Nhấn mạnh vào những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ đổi mới công nghệ và doanh nghiệp và coi đây là động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng Trung Quốc cũng đưa ra những luận điểm bảo vệ sự tăng trưởng công nghệ của quốc gia này trước các cáo buộc về trợ cấp không công bằng và công suất dư thừa, đồng thời chỉ trích các nỗ lực hạn chế sự hợp tác toàn cầu.

Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý Cường cho biết: “Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới của Trung Quốc bắt nguồn từ những lợi thế cạnh tranh độc đáo của chúng tôi”. Theo ông, thị trường rộng lớn, mạng lưới công nghiệp, lực lượng lao động, các bối cảnh ứng dụng đa dạng và người tiêu dùng thích ứng nhanh là cách “các ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc có được khả năng cạnh tranh”.

Trong bối cảnh đó, ông Lý Cường kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác phát triển kinh tế.

Ông Lý Cường nói rằng nếu các quốc gia chỉ nghĩ đến việc tối đa hóa lợi ích của mình mà không tính đến lợi ích của nước khác, thậm chí quay ngược bánh xe lịch sử bằng việc tách rời, cắt đứt chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, kết quả sẽ chỉ làm tăng chi phí các hoạt động kinh tế toàn cầu, cắt đứt quan hệ kinh tế giữa các khu vực và làm gia tăng mâu thuẫn và tranh chấp.

Thay vào đó, lựa chọn đúng đắn là tiếp cận sự phát triển với tầm nhìn và tư duy rộng hơn, đồng thời tìm kiếm lợi ích hợp lý trong việc cùng nhau tạo ra “một chiếc bánh lớn hơn” nhằm tạo động lực lâu dài cho nền kinh tế thế giới và mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của chính bản thân, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu.

Tuyên bố của ông Lý Cường được đưa ra trong bối cảnh EU đưa ra cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế quan trên sẽ được áp dụng tạm thời từ ngày 4/7 và sau đó chính thức áp dụng từ tháng 11 tới trừ khi 15 quốc gia đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối bỏ phiếu chống lại động thái này.

Ngoài EU, Mỹ cũng đã có động thái nâng mức thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc.

Động thái nâng thuế của EU xuất phát từ cáo buộc rằng Trung Quốc đang “trợ cấp không công bằng” cho ngành xe điện – hành động mà khối này cho rằng “đang gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế” cho các nhà sản xuất ô tô điện của mình, đặc biệt là khi ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển đối xanh.

Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong trong khuôn khổ buổi họp báo ngày 13/6 trước đó cho biết động thái của EU là “thiếu cơ sở thực tế và pháp lý”. Ông cáo buộc rằng: “Hành động này không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc mà còn có khả năng làm biến dạng chuỗi sản xuất và cung ứng ô tô trên toàn thế giới, bao gồm cả ở EU”.

Theo ông, “các hành động của phía châu Âu bị nghi ngờ vi phạm các quy định của WTO và là hành vi bảo hộ trắng trợn”. Do đó, ông khẳng định Bắc Kinh hoàn toàn “có quyền đệ đơn kiện lên WTO và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc”.

Ngân Hà